Bị lõm ngực nặng nhưng bé 3 tuổi được chẩn đoán viêm phổi khi nhập viện

Admin

(NLĐO) – Sau mỗi lần nhập viện điều trị, bé T. đều được chẩn đoán viêm phổi. Cho đến khi triệu chứng nặng gia đình chuyển lên tuyến trên, bé mới phát hiện thêm bệnh.

Ngày 14-7, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại 2 khoa Ngoại tổng quát và Chấn thương thương chỉnh hình vừa phẫu thuật thành công cứu bé gái B.K.N.T. (3 tuổi, ngụ Ninh Thuận) bị lõm ngực nặng kèm dị dạng đường dẫn khí phổi.

Bị lõm ngực nặng nhưng bé 3 tuổi được chẩn đoán viêm phổi khi nhập viện - Ảnh 1.

Bé T. được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật.

BS CK2 Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết bé T. nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở. Sau thăm khám, siêu âm kết quả bác sĩ phát hiện bên cạnh lõm ngực bệnh nhi còn có ổ dạng bóng khí giữa phổi phải, nhịp tim không đều, hở van 3 lá ¼.

Khai thác bệnh sử, chị K.N.T.K (30 tuổi - mẹ của bệnh nhi) chia sẻ bé được xác định lõm ngực bẩm sinh. "Đây là lần thứ 5 con nhập viện. Trước đó, 4 lần, con xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở nên gia đình đưa đến bệnh viện địa phương điều trị và đều được chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên, lần này, phát hiện con khó thở nhiều hơn kèm ho, sốt nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu" - chị K. cho hay.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau thăm khám, bé T. được phẫu thuật kén khí ở phổi sau đó, đặt thanh nâng ngực. Ca mổ kéo dài 3 tiếng, thở máy 2 ngày. 

Hiện bé hồi phục rất tốt và được xuất viện. Dự kiến 1,5 - 2 năm, trẻ được rút thanh nâng ngực. Chị K. cho biết thêm sau mổ bé đã ăn được nhiều hơn, không thở mệt như trước, ngủ không cần kê cao gối.

Trị lõm ngực không khó

Theo bác sĩ Minh, khi sụn ở xương ức và xương sườn bị bất thường lõm xuống khiến trẻ bị lõm ngực. Thông thường, trẻ bị ngực lõm được theo dõi đến khoảng 8 tuổi. Độ tuổi phẫu lồng ngực phù hợp là 8-12 tuổi. Nếu phẫu thuật sớm quá, xương chưa phát triển hoàn thiện. Ngược lại, nếu điều trị muộn khi khung xương đã định hình, bệnh nhi sẽ rất đau do biến dạng xương, căng cơ, chèn ép tim phổi,...

Tuy nhiên, với bé T., mức độ lõm ngực nặng gấp 3 lần bình thường. Không chỉ vậy, bé còn kèm bệnh về phổi. Đây là lý do khiến trẻ nhập viện thường xuyên do viêm phổi. Bên cạnh đó, do tình trạng lõm ngực sâu khiến tim trẻ đẩy lệch sang phải. Nếu càng để lâu thì sẽ hở van tim 2 lá hoặc 3 lá. Từ bệnh lý về xương trở thành bệnh tim mạch sẽ gây ra nhiều biến chứng với trẻ. Do đó, đối với bệnh lý ngực lõm kèm tim hay phổi bẩm sinh, có chỉ định phẫu thuật sớm.

Bác sĩ Minh cũng nhấn mạnh mỗi năm tại bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi phẫu thuật lõm ngực. Đáng lưu ý, số trẻ nhập viện phẫu thuật tập trung nhiều nhất trong dịp hè. "Điển hình, trong tháng qua, tại bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 ca phẫu thuật lõm ngực" - bác sĩ Minh nói.