Bệnh nhân ngộ độc sữa ở Tiền Giang: Tiến triển nặng chỉ sau 30 phút

Admin

Bác sỹ nhận định các thành viên gia đình anh P.M.T (Tiền Giang) đã uống sữa chứa chất cực độc, bệnh nhân uống vào tiến triển nặng chỉ sau 30 phút.

Ngày 20/10, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân P.M.T (55 tuổi, ngụ Tiền Giang) đã được xuất viện, sức khỏe ổn định.

Bệnh nhân ngộ độc sữa ở Tiền Giang: Tiến triển nặng chỉ sau 30 phút - Ảnh 1.

Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. (Ảnh: BVCC)

Cụ thể, bệnh nhân P.M.T bị ngộ độc cấp sau khi uống sữa. Mẹ và em ruột của bệnh nhân T. đã tử vong nghi ngờ do uống sữa bột cùng loại.

Theo đó, bệnh nhân T. có tiền căn xơ gan, tăng huyết áp. Ngày 15/10, bệnh nhân T. pha 100ml sữa bột, tuy nhiên chỉ uống khoảng một nửa thì bị nhức đầu, buồn nôn, khó thở… được người thân đưa đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long.

Tại đây, các bác sỹ ghi nhận bệnh nhân T. bị ngộ độc nặng, tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân này rơi vào suy hô hấp, hôn mê, mạch đập nhanh… nguy cơ tử vong cao.

Tiếp nhận bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Ngọc Sang (Bệnh viện Chợ Rẫy) nhận định, bệnh nhân T. đã mê sâu cấp độ 3, suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định, mạch rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao.

Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân T. bị ngộ độc cấp nặng, nên bước đầu phải tiếp tục thở máy, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu cùng lúc 2 màng lọc nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân ngộ độc sữa ở Tiền Giang: Tiến triển nặng chỉ sau 30 phút - Ảnh 2.

BS nghi ngờ nạn nhân có thể nhiễm 5 chất độc nhưng không thể khẳng định là những chất này là tự sản sinh trong sữa hay được bỏ vào trong sữa.

Sáng 16/10, khoa Bệnh nhiệt đới đã hội chẩn liên chuyên khoa, hội chẩn toàn viện nhằm có kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân T. Qua hội chẩn, xác định bệnh nhân T. bị ngộ độc cấp chưa xác định được tác nhân.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến lúc này, bệnh nhân T. đã được loại bỏ tất cả các chất độc khỏi cơ thể. Các cơ quan tổn thương đã hồi phục gần như hoàn toàn, chỉ có chức năng gan cần thăm khám lại bởi người bệnh bị xơ gan từ trước.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho hay trong lúc cấp cứu, các bác sỹ nhận thông tin mẹ và em ruột của bệnh nhân đã tử vong nghi uống cùng loại sữa bột mà bệnh nhân T. đã sử dụng.

“Cả ba người đang khỏe mạnh bình thường, sau khi tiếp xúc sữa bột thì đều rơi vào ngộ độc cấp. Thời gian xảy ra ngộ độc cực kỳ nhanh, tiến triển nặng chỉ sau 30 phút", BS Hùng nói.

Theo BS Hùng, dựa trên diễn tiến tình trạng triệu chứng của người bệnh, các bác sỹ nghĩ nhiều đến các nhóm chất có độc tính cực cao, không màu, không mùi, vị để người sử dụng không phát hiện bất thường. Độc chất này phải tìm thấy trên thị trường hoặc là sản phẩm do một loại vi sinh vật nào đó nằm trong sữa tạo ra.

"5 loại độc chất theo thứ tự nghi ngờ gồm xyanua, nhóm organophosphates và carbamat thường có trong thuốc trừ sâu, chất asen, bột mã tiền (strychnin), hoặc botulinum. Mặc dù 5 loại độc chất này có nhiều hình dạng nhưng đều có màu trắng, không mùi, không vị" , BS Hùng nhận định.

BS Hùng cho biết thêm, ngay khi khoanh vùng nhanh các chất trên, e-kip bác sỹ liền đưa ra kế hoạch điều trị vừa lọc chất độc, vừa điều trị hỗ trợ, hồi sức tích cực… nên bệnh nhân mới thoát được “tử thần”.

Về việc xác định khả năng là chất độc nào trong 5 loại nêu trên, BS Hùng cho hay kết quả tìm độc chất ở dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu… của bệnh nhân là âm tính nên chưa thể xác định được.

"Để có kết quả chính xác nhất trong chùm ca ngộ độc cấp tại Tiền Giang. Chúng ta cần chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng ”, BS Hùng nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin thêm, chi phí điều trị bệnh nhân T. là hơn 100 triệu đồng, đã được các mạnh thường quân hỗ trợ toàn bộ.