Bầu Hiển 'dọn sạch' hơn 1.000 tỷ công nợ của đối tác ngoại, lời gấp 3 với vua lương thực miền Nam

Admin

Trong BCTC hợp nhất năm 2023 công bố lần đầu, Vinafood 2 cũng 'dọn' hơn 600 tỷ phải thu với Cu-ba khỏi bảng cân đối kế toán, nhưng sau đó đã đính chính lại và giữ nguyên.

Năm 2018, Tổng công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2) lần đầu thực hiện bán cổ phần ra công chúng (IPO) và lên giao dịch trên sàn UpCOM. CTCP Tập đoàn T&T của bầu Hiển và CTCP Tập đoàn FPT là 2 đơn vị quan tâm, đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng chỉ có T&T đạt điều kiện.

Theo đó, bầu Hiển đã trả hơn 1.200 tỷ đồng để mua 125 triệu VSF của Vinafood 2 (tương đương 10.100 đồng/cp), sở hữu 25% Vinafood 2 trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này không thay đổi cho đến hiện tại.

Trong năm 2023, với việc giá gạo Việt Nam tăng rất mạnh, cổ phiếu VSF cũng chứng kiến một cú tăng sốc từ mức dưới mệnh giá. Mặc dù đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu tháng 1/2024 nhưng cổ phiếu VSF vẫn đang được giao dịch xung quanh mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu, xác lập giá trị vốn hóa 19.000 tỷ đồng.

Như vậy, khoản đầu tư của bầu Hiển tại VSF trị giá 4.750 tỷ đồng, tăng 4 lần so với giá mua.

photo-1708184649487

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý mới đây của Vinafood 2 là việc "dọn sạch" một số khoản phải thu, phải trả trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, khiến cho tổng tài sản giảm gần 2.300 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương giảm 34%). Đồng thời kết quả kinh doanh khả quan hơn hẳn giai đoạn trước khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2 lần năm 2022.

Cụ thể, vào cuối năm 2022, Vinafood 2 còn khoản phải thu với một công ty ở Bangladesh với số tiền 1.332 tỷ đồng, và khoản phải trả với một công ty ở Singapore với giá trị tương đương. Trong năm 2023, hai khoản phải thu - phải trả này đã đồng thời được xóa bỏ trên bảng cân đối kế toán.

Vinafood 2 còn có khoản phải thu 625 tỷ đồng với Cu-ba. Trong giai đoạn 1993 - 1996, khi Vinafood 2 vẫn là doanh nghiệp nhà nước, công ty là trung gian cho khoản viện trợ gạo của Việt Nam cho Cu-ba trị giá 25,6 triệu USD - tương đương 608 tỷ đồng cuối năm 2022. Theo sổ sách, đây là khoản mà Vinafood 2 phải thu từ phía Cu-ba, nhưng đồng thời cũng là khoản mà công ty phải trả cho Chính phủ Việt Nam tại cùng thời điểm.

Trong BCTC hợp nhất năm 2023 công bố lần đầu, Vinafood 2 cũng 'dọn' các khoản với Cu-ba khỏi bảng cân đối kế toán, nhưng sau đó đã đính chính lại và giữ nguyên.

Thực chất khoản công nợ này không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của Vinafood 2 vì công ty chỉ là trung gian thanh toán giữa hai bên. Thông thường, một khoản phải thu quá lâu nếu không thu được, doanh nghiệp phải lập dự phòng nợ xấu, ghi vào chi phí quản lý. Với khoản thu này, Vinafood 2 không phải trích lập dự phòng, do đó không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty.

Năm 2023 là một năm kinh doanh thắng lợi của Vinafood 2 với doanh thu thuần hơn 23.000 tỷ đồng – tăng 33% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế gần 63 tỷ đồng – gấp 3 lần. Lợi nhuận ròng đạt 23 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ 9 tỷ.

Mặc dù vậy, tính đến cuối năm 2023, Vinafood 2 vẫn lỗ lũy kế 2.778 tỷ đồng. Đây là kết quả sau thời gian dài thua lỗ, kể từ khi công ty cổ phần hóa từ năm 2018. Vinafood 2 mới chỉ có lãi trong hai năm gần đây (2022 - 2023) với khoản lãi rất mỏng so với quy mô vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, hay doanh thu gần tỷ đô của công ty.

Khoản lỗ lớn nhất của công ty vào năm 2018 (gần 1.500 tỷ đồng), là kết quả của quá trình xử lý tài chính cho những khoản thất thoát trước đó, giúp công ty cổ phần hóa và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Từ khi cổ phần hóa từ năm 2018 đến nay, dù đạt mức doanh thu trên 16.000 tỷ đồng mỗi năm, Vinafood 2 vẫn liên tục thua lỗ, hoặc đạt mức lãi mỏng, do biên lợi nhuận thấp là đặc thù của ngành xuất khẩu gạo.

Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết và được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ.

Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, 'vua lương thực' miền Nam là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8-3 triệu tấn gạo, kiêm ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể từ sau cổ phần hóa vào năm 2018, Vinafood 2 đối mặt với không ít lùm xùm do các sai phạm trong quản lý của dàn lãnh đạo cũ. Không chỉ vậy, vấn đề kinh doanh cốt lõi cũng gặp nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp này liên tục thua lỗ đậm hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2021.