Bao giờ hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"?

Admin

(NLĐO) - Dự kiến cuối tháng 10, các thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý cho việc hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ hoàn tất để phía Pháp có thể bàn giao lại ấn cho Việt Nam

Thông tin về lộ trình hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", chiều 9-10, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho biết liên tục từ tháng 10-2022 đến nay, Việt Nam đã và đang  khẩn trương thực hiện các biện pháp để thông qua con đường ngoại giao văn hoá, tập hợp các hồ sơ pháp lý liên quan chứng minh nguồn gốc của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Đồng thời đàm phán, thương lượng để triển khai các bước tiếp theo đưa ấn vàng hồi hương.

Bao giờ hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo? - Ảnh 1.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"

"Về quy trình, chúng ta vừa hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan, trong đó có 2 giấy tờ quan trọng gồm giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Châu Âu. Thông qua đại diện phía Việt Nam và luật sư hãng Millon, các hồ sơ pháp lý về ấn vàng cũng như những nội dung liên quan đang được tích cực hoàn thiện trước khi bàn giao  cho Việt Nam, từ đó có cơ sở cho chúng ta hoàn thành quá trình hồi hương hiện vật" - bà Lê Thị Thu Hiền cho biết.

Chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam

Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá  nói thêm dự kiến cuối tháng 10 này các thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý cho việc hồi hương ấn vàng sẽ hoàn tất để phía Pháp có thể bàn giao lại cho Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Cục Di sản Văn hoá và các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để  thực hiện những thủ tục pháp lý về phía Việt Nam để đưa ấn vàng về nước.

Bao giờ hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo? - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết dự kiến cuối tháng 10, các thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý cho việc hồi hương ấn vàng sẽ hoàn tất để phía Pháp có thể bàn giao lại cho Việt Nam

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi có thông tin ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của triều Nguyễn được đấu giá tại Pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.

Tháng 2-2023, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết việc thương lượng mua ấn vàng đã diễn ra thành công.

Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Sau quá trình thương lượng, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo với giá hơn 6,1 triệu euro.

Ngày 30-8-1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn, kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945.