Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã phê chuẩn Tài liệu khai thác mặt đất của Bamboo Airways. Qua đó, hãng bay có đầy đủ căn cứ pháp lý để tự triển khai phục vụ mặt đất tại các sân bay nội địa, góp phần nâng cao và đồng bộ chất lượng dịch vụ của hãng từ mặt đất đến trên không.
Trên cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, Bamboo Airways đang chuẩn bị mọi nguồn lực để trực tiếp triển khai tự phục vụ dịch vụ mặt đất thay cho việc thuê các đối tác bên ngoài.
Trước mắt, hãng đã có công văn chính thức gửi đến các cơ quan, đơn vị để thông báo về việc tiếp quản mảng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng trong dịch vụ mặt đất là mảng phục vụ hành khách trong nhà ga. Trong đó, bao gồm làm thủ tục check-in cho hành khách, hành lý, dịch vụ tại cửa khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 1/3. Xa hơn, Bamboo Airways sẽ hướng tới triển khai dịch vụ tương tự tại Sân bay Nội Bài.
Đại diện Bamboo Airways cho biết việc tự triển khai dịch vụ mặt đất sẽ cho phép hãng kiểm soát tốt hơn chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí hoạt động; tăng thêm tính chủ động cho hãng trong khai thác, đặc biệt là ở các giai đoạn cao điểm. Đặc biệt, hãng sẽ sử dụng một phần nhân lực dôi dư do giảm quy mô tàu bay là các tiếp viên hàng không được đào tạo thêm các nghiệp vụ để phục vụ hành khách tại sân bay. Đây cũng là giải pháp của Bamboo Airways nhằm đảm bảo nhận diện thương hiệu, nâng cao và đồng bộ chất lượng dịch vụ của hãng từ mặt đất đến trên không trong giai đoạn tiếp theo.
Các khoản nợ của Bamboo Airways với các đối tác phục vụ mặt đất
Trước đó, Pacific Airlines là nhà cung cấp dịch vụ mặt đất cho Bamboo Airways từ 1/1, sau khi hãng bay chấm dứt hợp đồng với đơn vị dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS).
Về công nợ với SAGS, tại thời điểm 31/12/2023, SAGS đang ghi nhận khoản phải thu khó đòi với Bamboo Airways là 87 tỷ đồng. Trong BCTC quý 4/2023, lợi nhuận của SAGS giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và giảm 66,6% so với quý trước đó còn 24 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía SAGS, trong quý 4/2023, công ty đã thực hiện quy định của Thông tư 48/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khói đòi và bảo hành hàng hóa dịch vụ tại doanh nghiệp nghiệp. Do đó, SAGS đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hãng Bamboo Airways (53,5 tỷ đồng).
Không chỉ nợ mỗi SAGS, nhiều doanh nghiệp hàng không khác cũng khi nhận công nợ với Bamboo Airways.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang ghi nhận khoảng phải thu lên tới 2.132 tỷ đồng với Bamboo Airways, tăng gần 1.000 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, gần như toàn bộ số nợ trên là nợ xấu và ACV đã phải trích lập 1.907 tỷ đồng.
Mới đây, ACV đã đưa ra thông báo sẽ áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn nhằm thực hiện chế tài xử lý những hãng bay vi phạm hợp đồng. Cụ thể, ACV xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, bao gồm không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.
Đến cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng khôngtrong nước, chiếm 40% số tiền cho vay. Đáng chú ý, phần lớn khoản nợ từ các hãng hàng không phát sinh ở giai đoạn COVID-19.
CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng ghi nhận khoản phải thu với Bamboo Airways ở mức 46,3 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với số đầu năm. Bamboo Airways cũng là hãng hàng không duy nhất Sasco ghi nhận khoản phải thu.
Hay CTCP Dịch vụ Hàng không sân Bay Đà Nẵng (MAS) cũng ghi nhận khoản phải thu với Bamboo Airways là 1,3 tỷ đồng.