Sở Y tế TP HCM vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhằm đánh giá tình hình các dịch bệnh đang lưu hành và thống nhất các giải pháp phối hợp thực hiện trong công tác điều trị và kiểm soát dịch bệnh tại khu vực phía Nam.
Theo các chuyên gia công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm trong 9 tháng đầu năm 2023 của khu vực phía Nam cơ bản đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi ở một số tỉnh trong khu vực chưa đủ các thuốc thiết yếu như: Gamma globulin, Phenobarbital, Milrinone; có bệnh viện tỉnh chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu,…
Do đó, chưa đáp ứng yêu cầu điều trị kịp thời cho các bệnh nhi ngay khi chuyển nặng, buộc phải chuyển viện, dẫn đến tình trạng chuyển bệnh không an toàn, bệnh nhân không được điều trị kịp thời bị các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, chuyển bệnh hàng loạt lên TP HCM sẽ gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến cuối của TP (70% tổng số bệnh nhi tay chân miệng đang điều trị nội trú tại 4 bệnh viện tuyến cuối của TP là từ các tỉnh chuyển về).
Nhằm đảm bảo hiệu quả công tác thu dung, điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh truyền nhiễm khác, các chuyên gia thống nhất đề nghị thực hiện một số nội dung sau:
Các bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh tiếp tục phát huy năng lực điều trị, khẩn trương mua sắm đầy đủ thuốc và vật tư trang thiết bị y tế thiết yếu để đảm bảo công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh ngay tại chỗ; chủ động hội chẩn từ xa các ca bệnh khó với các bệnh viện tuyến cuối hạn chế tình trạng chuyển viện không an toàn.
Sở Y tế các tỉnh, TP có trách nhiệm hỗ trợ, đôn đốc và giám sát các bệnh viện trực thuộc trong việc cung ứng thuốc và vật tư trong thiết bị y tế, trong công tác điều trị bệnh.
Đối với các trường hợp người bệnh nặng, nguy kịch quá khả năng điều trị và cần chuyển viện đến các bệnh viện của TP, các bệnh viện cần hội chẩn trước khi chuyển và bố trí đầy đủ về phương tiện, trang thiết bị y tế, theo dõi sát tình trạng người bệnh, đảm bảo người bệnh được chuyển viện an toàn và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong trong quá trình chuyển viện (hạn chế tình trạng để bệnh nhân di chuyển tự túc).
Tăng cường giám sát các ca viêm phổi nặng do virus, thu thập mẫu gởi Viện Pasteur để kịp thời phát hiện các trường hợp viêm phổi do cúm gia cầm.
Tiếp tục các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đến người dân về các biện pháp phòng chống các dịch bệnh (bao gồm tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và các dịch bệnh mới nổi, tái nổi) để người dân hiểu và thực hiện, nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, khuyến cáo và hướng dẫn người dân khi có triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó với tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, xử lý nước thải, chất thải nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh nguồn nước và kiểm soát hiệu quả các véc-tơ truyền bệnh.