Bắc Ninh: Thuốc không tem mác tại phòng khám đa khoa

Admin

Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh tại đường Lý Anh Tông, thành phố Bắc Ninh mặc dù mới được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh nhưng đã có dấu hiệu vi phạm.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu

Mặc dù vừa mới thành lập nhưng Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh tại đường Lý Anh Tông, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh (mới được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh ngày 24/10/2023) đã bị người dân phản ánh có nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh như: hoạt động không đúng quy định, bán thuốc chữa bệnh không nhãn mác… tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh.

Sức khỏe - Bắc Ninh: Thuốc không tem mác tại phòng khám đa khoa

Giấy phép hoạt động của Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh.

Trên cơ sở đó, ngày 22/11, phóng viên cùng một người đàn ông có nhu cầu khám nam khoa. Sau khi tiếp cận phòng khám, bệnh nhân được một nữ nhân viên lễ tân tiến hành kiểm tra thông tin, sau đó dẫn lên phòng khám treo biển “Phòng Khám Nội 202”.

Khoảng 10 phút sau, một nhân viên nam mặc áo Blouse trắng gọi bệnh nhân vào phòng khám. Tại phòng có 1 nam nhân viên và một nữ nhân viên đều đeo bảng tên nhưng không rõ thông tin kèm theo.

Sau khi hỏi thông tin cá nhân, nam nhân viên bắt đầu hỏi về tình trạng “sinh lý” đang gặp phải. Tiếp đó, nam nhân viên tiến hành thăm khám cho bệnh nhân, mặc dù bệnh nhân không rõ người này là ai chức danh gì?

Kiểm tra thăm khám xong, nam nhân viên và nữ nhân viên tại phòng này đưa ra hàng loạt danh mục xét nghiệm như: Máu, Dịch, Vi sinh, nước tiểu, HIV, viêm gan B, tinh dịch đồ, nước tiểu, siêu âm… và yêu cầu người bệnh xuống tầng 1 để đóng tiền.

Theo hướng dẫn, bệnh nhân đã thực hiện đóng đủ số tiền gần 1,2 triệu đồng, đồng thời người bệnh được hướng dẫn đến các phòng chức năng để xét nghiệm máu, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm tinh dịch…

Khoảng hơn 1 giờ, sau khi được thăm khám, xét nghiệm, người bệnh được yêu cầu trở lại “Phòng Khám Nội 202”  để nghe thông báo kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng bệnh.

Theo đó, vừa đọc tệp giấy kết quả khám bệnh trên tay, nam nhân viên tại phòng này bắt đầu chỉ ra người bệnh bị một loạt bệnh nam khoa như: “Dịch niệu đạo có bạch cầu 2+, khi bạch cầu xuất hiện thì có cái viêm nhiễm ở đường niệu.

Ở đây có cầu khuẩn, nó gây ra cái viêm đường tiết niệu. Cái này của em là viêm đường tiết niệu, viêm niệu đạo do cầu khuẩn. Cái viêm niệu đạo nó cũng ảnh hưởng đến vấn đề ham muốn và cương cứng”, nam thanh niên mặc áo blouse nói với vẻ mặt nghiêm trọng.

Sau khi liệt kê loạt bệnh, nam nhân viên này và nữ nhân viên cùng phòng đã yêu cầu người bệnh phải lấy thuốc tại phòng khám về nhà uống mới khỏi bệnh.  

Sau đó, người này đọc cho nữ nhân viên kê đơn, bán cho phóng viên 4 loại thuốc, bao gồm: Levofloxacin, Cefuroxim, Alphachymotrypsin, Lục Khang với tổng số tiền gần 1,3 triệu đồng.

Sức khỏe - Bắc Ninh: Thuốc không tem mác tại phòng khám đa khoa (Hình 2).

Đáng nói, trong 4 loại thuốc này có 84 viên nén màu vàng cam, được cho là thuốc “Luc Khang”, được phòng khám này bán với giá 15 nghìn đồng/1 viên nhưng không có bất kỳ thông tin sản phẩm như tem mác, nội dung thể hiện nguồn gốc, xuất xứ… và những viên nén này chỉ được đóng gói sơ sài vào túi nilon.

Ngoài những biểu hiện vi phạm kể trên, tại phòng khám có dấu hiệu treo biển hiệu thiếu thông tin theo quy định của ngành Y tế như ghi nhận ngày 22/11.

Cụ thể, phòng khám này được Sở Y tế Bắc Ninh cấp phép ngày 24/10/2023 với tên đầy đủ là “Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển DA Group”, nhưng trên biển thực tế 2 tấm biển lớn treo bên ngoài phòng khám chỉ thể hiện dòng chữ “Phòng khám Đa khoa Bắc Ninh”. Việc thiếu một phần thông tin tên cơ sở thể hiện trên biển tại phòng khám cũng dễ gây hiểu nhầm cho người bệnh.

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Thời gian qua, Sở Y tế Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Đặc biệt, trong năm đã triển khai 09 cuộc kiểm tra, giám sát công tác hành nghề Y, Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 844 triệu đồng.

Trong đó, tháng 6, Sở Y tế Bắc Ninh đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh sau khi có nhiều ý kiến phản ánh tiêu cực từ người dân về lĩnh vực này.

Theo đó, thực hiện quyết định, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở: Phòng khám Đa khoa Nhân Ái, Phòng khám Đa khoa Thành Đô, Phòng khám Đa khoa Tâm Đức, Phòng khám Chuyên khoa nội Thịnh An.

Qua kiểm tra phát hiện một số lỗi, cơ bản như: hành nghề không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền; cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ hoặc cũ kỹ; bác sỹ là những sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm;

Môi trường khám chữa bệnh, vệ sinh phòng khám không được bảo đảm, hành nghề không đúng chuyên môn trong giấy phép hành nghề, tuỳ tiện nâng giá các dịch vụ khám chữa bệnh; khám bệnh không thực hiện đầy đủ các quy định về chuyên môn… gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tới tính mạng của người bệnh.

Trước đó, trong tháng 4, Thanh tra Sở Y tế Bắc Ninh thông tin đã xử phạt 2 phòng khám là: Phòng khám Đa khoa quốc tế Nhân Ái bị xử phạt 136 triệu đồng; Phòng khám đa khoa Thành Đô bị phạt 152 triệu đồng do loạt sai phạm trong quá trình hoạt động.

Liên quan đến vi phạm đã chỉ ra sau thanh tra tại các phòng khám kể trên, hay như dấu hiệu vi phạm mới ghi nhận tại phòng khám Đa khoa Bắc Ninh, cho thấy, mặc dù công tác tác thanh kiểm tra tại địa phương được tăng cường và xử phạt nhiều trường hợp với số tiền lớn, tuy vậy với việc một phòng khám tư mới được thành lập trong 1 tháng qua lại có nhiều dấu hiệu vi phạm đã cho thấy dấu hiệu “nhờn thuốc”.

Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Lê Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Luật Khang Lợi cho rằng, Nhà nước ta đang thực hiện các chính sách có phần “ưu ái” nhằm tăng cường công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và sức khỏe cho người dân.

Vì vậy, nhiều phòng khám tư nhân được cấp khép nhưng có cơ sở hạ tầng, con người cũng như các yếu tố khác tương đối hạn chế. Lợi dụng lý do này, nhiều cơ sở khi bị xử phạt hoặc đình chỉ do vi phạm sẽ nhanh chóng thực hiện chiêu “ve sầu thoát xác” khi trả mặt bằng, đóng cửa và thành lập một cơ sở khác để hoạt động.

“Thực tế, tôi nghĩ là có trường hợp cơ sở vi phạm, bị đình chỉ đống cửa và thời gian sau tại đúng địa chỉ đó lại hoạt động khám chữa bệnh với một cái tên mới. Tới đây có lẽ các nhà chức trách cần nghiên cứu, để có hướng ngăn chặn tình trạng trên một cách quyết liệt, hiệu quả hơn”, luật sư Thiện cho biết.

Với mục tiêu phối hợp, đồng hành cùng ngành Y tế Bắc Ninh để tuyên truyền, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin, đồng hành cùng Sở Y tế Bắc Ninh và các cơ quan hữu quan tìm hiểu, góp phần thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động y tế tư nhân tại địa phương.

Khánh Linh