2 nhóm yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng: 1 trong 2 có thể thay đổi được

Admin

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ được cho là làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, trong đó có những yếu tố thay đổi được và không thay đổi được.

Phát hiện ung thư đại trực tràng sau khi có dấu hiệu này

Bệnh nhân H.V.B (60 tuổi, tại Thanh Thuỷ, Phú Thọ) phát hiện bệnh ung thư đại trực tràng khi có triệu chứng đau bụng bất thường và đi ngoài phân lỏng.

Bệnh nhân B cho biết năm nào cũng đi khám sức khoẻ định kỳ (cụ thể là 1 năm 3 lần) nhưng không kiểm tra đại trực tràng vì cho rằng đi đại tiện không có dấu hiệu bất thường, bụng không đau.

Ông B cho biết ông vẫn đi làm phụ hồ như bình thường. Tuy nhiên, vào đêm trước ngày nhập viện, ông bị đau bụng nhiều. Sáng hôm sau, gia đình cho đi kiểm tra thì phát hiện mắc ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn).

Hầu hết ung thư đại trực tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là polyp. Một số dạng polyp có thể tiến triển thành ung thư sau nhiều năm. Khả năng tiến triển thành ung thư tùy thuộc vào từng loại polyp.

2 nhóm yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng: 1 trong 2 có thể thay đổi được - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng

BSCKI Trần Thị Tỵ, Khoa Hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết theo thống kê của Globocan, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2020. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng phổ biến thứ 4 ở nam giới, sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi.

Tới nay, ung thư đại trực tràng chưa xác định được nguyên nhân mắc. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ được chia làm 2 nhóm: nhóm có thể thay đổi được và nhóm không thể thay đổi được.

Bác sĩ Tỵ liệt kê một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

Thứ nhất là tuổi tác, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng càng tăng lên. Các nghiên cứu cũng chỉ ra 90% số bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng có độ tuổi từ 50 trở lên.

Thứ 2 là trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng. Theo các thống kê, cứ 5 bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng thì có 1 người có thành viên trong gia đình mắc bệnh.

Thứ 3, người mắc bệnh đại tràng mạn tính, đã mắc polyp sẽ có nguy cơ mắc loại ung thư này cao hơn.

Thứ 4, ung thư đại trực tràng có liên quan tới yếu tố di truyền (hội chứng đa polyp, hội chứng lynch).

Ngoài ra, ung thư đại trực tràng còn có liên quan tới yếu tố chủng tộc, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường.

Còn nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được có liên quan tới chế độ ăn, lối sống, ví dụ như:

Thứ nhất, người thừa cân béo phì, người lười vận động, người ăn nhiều thịt đỏ, người lạm dụng thức ăn nhanh… có nguy cơ cao hơn.

Thứ hai, ung thư đại trực tràng cũng có liên quan tới thói quen xấu như hút thuốc lá. Khói thuốc lá không chỉ làm gia tăng ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Bác sĩ Tỵ cho biết nếu phát hiện ung thư đại trực tràng sớm có thể điều trị khỏi bệnh, giảm chi phí điều trị.

Dấu hiệu ung thư đại trực tràng

Theo BS. Nguyễn Thị Hà, Khoa Xạ trị – Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, do đó sàng lọc được khuyến cáo cho tất cả mọi người trên 50 tuổi. Bệnh ung thư khi tiến triển sẽ có triệu chứng điển hình như:

- Sự thay đổi trong thói quen đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc phân dẹt kéo dài trong một vài ngày.

- Cảm giác buồn đi ngoài và đi ngoài không hết.

- Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.

- Đau bụng.

- Yếu, mệt mỏi thường xuyên.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

Để phát hiện ung thư đại trực tràng sớm bác sĩ Hà khuyên nên sàng lọc thường xuyên, giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, có khả năng điều trị khỏi cao.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ, người khoẻ mạnh từ 50 tuổi trở lên nên đi khám, xét nghiệm để tầm soát căn bệnh ung thư đại trực tràng. Với người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, có hội chứng di truyền... nên đi khám sớm hơn.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh, mọi người cần thay đổi chế độ ăn và lối sống :

- Giảm cân, tránh béo phì, đặc biệt béo bụng.

- Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.

- Chế độ ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến công nghiệp.

- Không uống nhiều bia, rượu.

- Không hút thuốc.

- Bổ sung canxi và vitamin D.


https://soha.vn/2-nhom-yeu-to-lam-tang-nguy-co-ung-thu-dai-truc-trang-1-trong-2-co-the-thay-doi-duoc-20231204161616039.htm