Xuất khẩu tôm gặp khó

Admin

Nguồn nguyên liệu thủy sản thiếu hụt bắt buộc doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển hơn nữa chuỗi ngành hàng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6 vừa qua là tháng đầu tiên trong năm nay xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm sau khi liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu tôm cũng giảm nhẹ 1%, đạt gần 416 triệu USD. Dù vậy, lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm vẫn đạt 2,3 tỉ USD, tăng 31% so cùng kỳ năm ngoái.

Chững lại

VASEP lý giải việc nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) chững lại được xem là những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6-2022 không như mong đợi. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng tốt trong khoảng 5 tháng đầu năm, bắt đầu chững lại rồi giảm tương đối mạnh trong tháng 6. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ tháng 6 đạt trên 93 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo VASEP, nhu cầu tiêu thụ tôm chững lại và sụt giảm còn do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022, sau đó nhu cầu sẽ tăng nhanh trở lại trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, báo động tình trạng đơn hàng xuất khẩu tôm sụt giảm trầm trọng là do giá đầu vào bao gồm thức ăn chăn nuôi, con giống, cước vận tải tăng. "Để nuôi được 1 con tôm, doanh nghiệp (DN) phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thức ăn như đậu nành, bột cá… nhập khẩu. Ở chiều xuất khẩu, đồng USD đang tăng quá cao so với các đồng tiền khác dẫn đến DN xuất khẩu không được giá. USD đã tăng hơn 30% so với đồng bảng Anh, tăng 25% so với đồng euro và tăng 30% so đồng tiền của Nhật, Úc. So với USD, VNĐ tăng ít hơn nhưng sức mua thị trường Mỹ rất thấp. Giá nguyên liệu tăng nhưng giá bán không tăng nên DN rất khó khăn, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm trầm trọng" - ông Lĩnh nêu.

Bản thân công ty ông do không mua được nguyên liệu nên cũng không xuất được với giá rẻ. Kết quả là doanh thu xuất khẩu tháng 5 đạt 15 triệu USD, đến tháng 6 còn 7 triệu USD và tháng 7 dự kiến tiếp tục giảm mạnh. "Giá tôm mua vào hiện tăng khoảng 20% so với tháng 6 và tăng khoảng 30% so với đầu năm 2022 nhưng không có tôm để mua. Hiện đã qua chính vụ thu hoạch tôm, đang là vụ 2 và không có vụ 3 nên dự báo tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục trong các tháng cuối năm" - ông Lĩnh phản ánh.

Một yếu tố bất lợi khác của DN xuất khẩu tôm Việt Nam, theo ông Lĩnh, là DN xuất khẩu tôm Việt Nam không thể cạnh tranh về giá với Ecuador, Ấn Độ. "Tính chung, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm của công ty cao hơn cùng kỳ năm 2021 vì doanh thu tăng vọt. Tuy nhiên, bản chất không phải do nhu cầu tiêu thụ tăng mà vì DN dồn sức trả nợ đơn hàng năm 2021 trong các tháng đầu năm 2022. Tình hình sắp tới sẽ khá ảm đạm nhưng ở tầm DN khó có giải pháp vực dậy" - ông Lĩnh tâm tư.

Ông Lê Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Giang Châu (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết DN của ông cũng lâm vào tình trạng tương tự. "Trước đó, bình quân mỗi tháng công ty xuất 10-15 container tôm (22 tấn/container), nay chỉ còn 8 - 9 container. Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, công ty dự kiến nhập hàng từ các nước bạn" - ông Châu thông tin thêm.

Theo ông Ngô Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Anh Tuấn (TP Cần Thơ), sản lượng tôm năm nay ít hơn mọi năm do nhiều nguyên nhân. Một mặt do thời tiết thất thường nên tôm sống không cao, giá cả bấp bênh nên người nuôi không mặn mà thả. Nhất là khi năm nay nước mặn về trễ nhưng lại hết sớm, hiện nhiều nơi không còn nước mặn để nuôi tôm.

Xuất khẩu tôm gặp khó - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Giải bài toán khó

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thiếu nguyên liệu đang là thách thức đối với ngành thủy sản hiện nay.

Đối với nguồn thủy sản nuôi trồng (chiếm 70% nguyên liệu dùng chế biến xuất khẩu), DN gặp khó khăn trong việc mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng sản lượng do các địa phương đô thị hóa mạnh. Những biến động từ quy hoạch sử dụng đất khiến DN khó tìm được vùng nuôi ổn định để yên tâm đầu tư. Do đó, VASEP đề xuất Chính phủ và các địa phương có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp.

Đối với nguyên liệu nhập khẩu, Việt Nam đang dần trở thành điểm gia công lớn của thủy sản thế giới khi năng lực chế biến của Việt Nam lớn và hiện đại. Trong suốt ít nhất 10 năm qua, nguồn nguyên liệu sạch - hợp pháp được nhập khẩu Việt Nam ngày càng tăng để đáp ứng đơn hàng và việc làm khi giáp vụ hoặc nhu cầu thế giới tăng cao. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, cần có quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu.

Dưới góc độ DN, giải pháp của ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú, là tự phát triển vùng nuôi tôm của DN, hiện đã lên tới gần 1.200 ha. Tuy nhiên, theo ông Quang, dù cố gắng gia tăng sản lượng và quy mô vùng nuôi nhưng khả năng tự chủ nguyên liệu chỉ khoảng 10%. "Từ đó, Minh Phú chủ trương liên kết với các hộ nuôi tôm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nuôi tôm nuôi thành công, nuôi tôm với chi phí thấp, nhờ vậy giảm giá thành nguyên liệu và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của DN. Ví dụ Minh Phú đầu tư, tài trợ các dự án con giống tôm chất lượng cao để đẩy tỉ lệ tôm sống lên hơn 90%" - "vua tôm" dẫn chứng.

Trong khi đó, giám đốc một DN chuyên nuôi tôm tại Sóc Trăng lại nhìn nhận vấn đề thiếu nguyên liệu tôm là do bị nhà máy ép giá, nuôi không có lãi nên người nuôi không mặn mà thả giống. "Năm ngoái, vướng dịch Covid-19, các nhà máy mua tôm của nông dân giá rẻ, lưu kho, sau đó chế biến xuất khẩu được mặt bằng giá cao nên lãi khủng nhưng không chia sẻ lại cho người nuôi. Nông dân bây giờ cũng rút kinh nghiệm, nuôi tôm ít lại để tránh bị ép giá" - vị giám đốc này bày tỏ.

Thiếu nguyên liệu là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiếu hụt nguồn cung lại tốt hơn nhiều so với việc dư thừa. Bởi điều này bắt buộc DN phải nỗ lực phát triển hơn nữa chuỗi ngành hàng, cũng như nông dân cần tham gia chuỗi hoặc vào hợp tác xã để khi mua thức ăn, con giống… có lợi hơn về giá, từ đó giảm giá thành sản xuất.

Giá tôm nuôi đã nhích lên

Theo ghi nhận của phóng viên, giá tôm thẻ tại vùng thủ phủ tôm Cà Mau những ngày gần đây tăng trên dưới 10% so với trước. Cụ thể, tôm thẻ loại 50 con/kg giá 122.000 đồng/kg, 30 con/kg giá 170.000 đồng, 100 con/kg là 103.000 đồng... Mức giá trên đã giúp người dân phấn khởi vì lợi nhuận thu về sau các vụ nuôi sẽ tăng thêm. Ông Nguyễn Văn Tòng (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết gia đình vừa thu hoạch 2 ao nuôi tôm công nghiệp đúng thời điểm giá cao. "Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Hiện tôi đang cải tạo đầm nuôi tôm để tái vụ mới" - ông Tòng phấn khởi nói.


Xuất khẩu cá tra vẫn khả quan

Với cá tra, dù tình hình xuất khẩu nửa đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh ở hầu hết thị trường lớn, đạt 1,42 tỉ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các DN cũng bắt đầu lo những tháng tới, tốc độ tăng trưởng này có thể chậm dần ở một số thị trường, cả tại Mỹ và giá xuất khẩu sẽ giảm.

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá - dự báo năm 2022, DN chế biến, xuất khẩu thủy sản từ hòa tới lỗ, còn người nuôi cá rủi ro lỗ vốn rất cao. Nguyên nhân là vì thức ăn nuôi cá đã tăng ít nhất 30%, giá cá giống cũng tăng... nhưng giá bán cá chỉ tăng tối đa 25% nên ao nào có cá bệnh, cá chết là cầm chắc lỗ. "Trung bình mỗi tháng, Hùng Cá có 15.000 tấn cá nguyên liệu đưa vào sản xuất, chế biến. Tháng 5 vừa qua, công ty xuất khẩu khoảng 7 tấn cá thành phẩm nhưng tháng 7 chỉ xuất được khoảng 4 tấn. Giá cá tra xuất khẩu cũng đang giảm so với đầu năm 2022, về mức trên 2 USD/kg (trước đó gần 3 USD/kg), ảnh hưởng lớn tới kim ngạch" - ông Hùng nêu thực trạng.

Theo ông Hùng, giá xuất khẩu cá tra giảm một phần do các DN không có kho dự trữ tồn kho hoặc không có dòng tiền mạnh đã xả hàng, đạp giá xuống thấp, gây ảnh hưởng chung toàn ngành. "Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ các hộ nuôi cá có liên kết với công ty bằng cách bán thức ăn rẻ hơn khoảng 600 - 900 đồng/kg, thu mua cá cao hơn 800 - 1.000 đồng/kg để họ bớt khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế" - ông nói thêm.