Xét xử vụ đất vàng: Tỉnh uỷ Bình Dương xin giảm nhẹ cho các bị cáo

Admin

Tại phiên toà xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng các đồng phạm, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình đối với các bị cáo theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ, công chức của tỉnh.

Sáng nay 24-8, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3-2) cùng 25 bị cáo liên quan vụ án "đất vàng" Bình Dương, tiếp tục với phần tranh tụng.

Xét xử vụ đất vàng: Tỉnh uỷ Bình Dương xin giảm nhẹ cho các bị cáo - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Hiền, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương

Tại phiên toà, được nêu quan điểm về án, ông Phạm Văn Hiền, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương (đại diện Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương với vai trò những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), cho rằng tỉnh Bình Dương được thành lập từ ngày 1-1-1997, với xuất phát điểm rất thấp, kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, bằng sự nỗ lực phấn đấu, bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo của các thế hệ, Bình Dương đã chuyển mình vươn lên thành tỉnh công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh; đời sống người dân được nâng lên đáng kể.

"Trong thời gian qua tỉnh đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ, biến những vùng đất hoang hóa, kém phát triển thành những khu công nghiệp, đô thị hiện đại, tạo ra một không gian phát triển mới theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ, với mong muốn đưa địa phương phát triển nhanh, nhận thức pháp luật có lúc còn hạn chế. Do đó, đã dẫn đến những sai lầm, thiếu sót, vi phạm của một vài cán bộ; hành vi vi phạm của những cán bộ này đã phải trả giá rất đắt, để lại nhiều đau sót cho bản thân, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của bản thân, gia đình và làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền địa phương"- ông Hiền nêu rõ.

Đại diện Tỉnh uỷ Bình Dương cho rằng Tỉnh ủy Bình Dương mong Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đánh giá một cách khách quan, toàn diện hành vi sai phạm của các bị cáo trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể; đồng thời ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng bị cáo. Qua đó, xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình đối với các bị cáo theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ, công chức của tỉnh. Các bị cáo trong vụ án này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bình Dương, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội được trở về với gia đình, người thân sớm hơn trong những ngày cuối đời còn lại của mỗi người.

"Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn và luôn tin tưởng Hội đồng xét xử sẽ có bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính khoan hồng của pháp luật và tính răn đe, giáo dục chung của Bản án. Bản án này sẽ là bài học lớn, đắt giá và rất đau sót cho chính bản thân các bị cáo và sẽ có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tỉnh nhà hiện tại và trong tương lai"- ông Hiền nhấn mạnh.

Trước đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nam và Trần Thanh Liêm từ 9 - 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; đề nghị tuyên Nguyễn Văn Minh tổng hình phạt từ 29 - 30 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản". 25 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 đến 26 năm tù.

Về dân sự, với các khu đất 43 ha và 145 ha, phía công tố đề nghị tòa tuyên theo hướng trả lại cho chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương. Qua đó, các bị cáo trong vụ án không phải bồi thường.