Xăng dầu lại trục trặc về nguồn cung

Admin

Hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối phát sinh lỗ lớn đã ảnh hưởng tới nguồn cung bán lẻ trong nước

Những trục trặc trong nguồn cung xăng dầu thời gian gần đây khiến không ít cửa hàng phải treo biển nghỉ bán, ảnh hưởng đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 trong năm 2022, nguồn cung xăng dầu có những bất ổn, đòi hỏi cần giải quyết dứt điểm để bảo đảm cung ứng mặt hàng quan trọng này.

Cây xăng hết hàng, "càng bán càng lỗ"

Cửa hàng thông báo hết xăng, tạm ngừng bán xảy ra từ thời điểm cuối tháng 8 vừa qua, trước kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tháng 9. Điều đáng nói, kỳ điều hành giá lùi tới ngày 5-9 (thay vì 1-9 do trùng nghỉ lễ Quốc khánh) càng khiến vấn đề về nguồn cung xăng dầu trở nên phức tạp hơn. Kết quả giám sát của đoàn công tác Tổng cục QLTT tại 21 cửa hàng ở TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên cũng cho thấy bất ổn về nguồn cung xăng dầu.

Theo đó, tại Hà Nội, một số nơi đã hết xăng RON 95, chỉ còn dầu trước thời điểm kỳ điều hành giá ngày 5-9. Tại Vĩnh Phúc, kiểm tra 6 cửa hàng ở huyện Bình Xuyên, TP Phúc Yên, đoàn công tác ghi nhận 3 nơi hết xăng RON 95-III, riêng xăng E5 RON 92, dầu diesel... vẫn bán bình thường. Tương tự, tình trạng hết xăng RON 95 cũng xảy ra tại nhiều cửa hàng ở cả 3 thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên (thuộc tỉnh Thái Nguyên).

Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, cho biết dịp nghỉ lễ 2-9, đơn vị nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp (DN) xin tạm dừng bán xăng RON 95 với lý do là không có nguồn hàng hoặc chỉ được nhập với khối lượng hạn chế. Đáng chú ý, chiết khấu 0 đồng kéo dài nhiều ngày trên mỗi lít xăng dầu bán ra khiến DN thua lỗ. 

Ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái (Thái Nguyên), cho biết tại một số thời điểm nhất định, do hàng chưa về kịp nên có tình trạng hết hàng tạm thời nhưng chỉ một vài giờ sau là có trở lại. Theo ông Huệ, những ngày vừa qua, nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu tăng khoảng 40%, cho nên cửa hàng, đại lý nào lấy nhiều hơn so với hạn mức đã ký kết sẽ không hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Xăng dầu lại trục trặc về nguồn cung - Ảnh 1.

Một cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Vĩnh Phúc thông báo hết xăng RON95. Ảnh: LƯU QUYÊN

Tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở mức độ cao hơn tại các tỉnh khu vực miền Nam. Tại các địa phương như Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai..., nhiều đại lý cho biết lượng xăng nhập về hụt so với trước, đặc biệt là thời điểm trước kỳ điều hành ngày 5-9.

Tại TP HCM ngày 6-9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hầu hết các cây xăng trên địa bàn đều đã hoạt động bình thường. Chỉ một số rất ít treo biển hết hàng, như một cây xăng trên Quốc lộ (QL) 1 thuộc TP Thủ Đức có 3 trụ bơm thì 1 trụ treo biển hết xăng RON 95, còn trụ bơm xăng E5 RON 92 và trụ bơm dầu DO vẫn hoạt động. Nhân viên cây xăng cho biết xăng RON 95 chỉ hết tạm thời, chiều cùng ngày sẽ có hàng trở lại.

Ông Đoàn Văn Thép, cửa hàng trưởng trạm xăng dầu QL 22, quận 12, phản ánh từ giữa tháng 8 đến nay, đầu mối cung cấp xăng dầu rất nhỏ giọt; chiết khấu, hoa hồng bị cắt còn 0 đồng. "Trước đây, chúng tôi nhận mỗi lần một xe bồn 21 m3, bán được vài ba ngày, còn nay đại lý giao hàng nhỏ giọt, mỗi lần vài ba khối, phải chạy tới chạy lui cả chục lần, lỗ cả chi phí vận chuyển" - ông Thép bày tỏ.

Đại diện một đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết DN đầu mối đang bị lỗ rất nặng, càng nhập hàng về càng lỗ. "Chưa có khi nào mà trong thời gian ngắn có đến 5-6 lần giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hàng chưa kịp nhập về đã bị lỗ, DN cắt giảm hết chiết khấu nhưng vẫn lỗ. Đại lý không có hoa hồng nên họ không mặn mà nhập hàng về bán" - đại diện đầu mối xăng dầu này lý giải về tình trạng thiếu hàng cục bộ ở một số cây xăng.

Một DN xăng dầu ở tỉnh Hưng Yên cũng xác nhận với phóng viên, chiết khấu áp dụng từ 15 giờ ngày 5-9 cho các cửa hàng là 0 đồng đối với các mặt hàng xăng và 350 đồng/lít đối với dầu diesel. "Nếu nguồn cung và chiết khấu không cải thiện thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn đối với họ trong hoạt động kinh doanh khi phải bù hàng loạt chi phí khác" - đại diện DN lo lắng.

Vì sao?

Thực tế, những khó khăn trong cung ứng xăng dầu đã được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nêu trong văn bản gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Petrolimex cho biết giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, tăng hoặc giảm bất thường với biên độ rất lớn và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng nguồn cung khí đốt khu vực Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày giữa tháng 7 đến nay. Việc này đã tạo ra khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao hoặc chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ.

"Ông lớn" trong lĩnh vực xăng dầu nhấn mạnh sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong công tác tạo nguồn khi việc mua hàng của DN không thể bù đắp ngay lập tức sự thiếu hụt rất nhanh. Với sự cộng hưởng nhiều yếu tố, thị trường xăng dầu trong nước đã chịu nhiều tác động, thậm chí có hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, dẫn tới nhu cầu dồn về DN này. 

Cụ thể hơn, Petrolimex cho biết thông thường bán lẻ trực tiếp của DN này khoảng 17.000 m3/ngày nhưng mấy ngày gần đây sản lượng tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31-8, sản lượng bán lẻ trực tiếp là 27.000 m3, tăng 60% so với ngày bình thường. Đáng chú ý, nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex cũng không ngừng tăng cao.

Cũng theo Petrolimex, hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối phát sinh lỗ lớn, do đó nguồn lực để chia sẻ cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, đại lý và/hoặc thương nhân phân phối không bảo đảm bù đắp được chi phí thực tế phát sinh, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8 năm nay khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu. Từ thực tế này, trên thị trường đã xuất hiện tâm lý lo lắng của không ít các DN khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và tổ chức kinh doanh có tính đối phó, cầm chừng để chờ thời điểm thuận lợi...

Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng khi DN đầu mối rơi vào tình cảnh lỗ thì họ tìm cách đẩy rủi ro đó, buộc đơn vị bán lẻ phải cùng gánh lỗ. Đây là nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng chiết khấu 0 đồng diễn ra gần đây. Theo ông Thịnh, cũng có những trường hợp, DN đầu mối lỗ lớn nên không bán hoặc bán cầm chừng hoặc đưa ra các điều kiện chi phí vận chuyển cho các DN bán lẻ.

Trong khi đó, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đề nghị Bộ Công Thương cần làm rõ vì sao cả nước có tới 33 DN đầu mối xăng dầu nhưng vẫn để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ? Liệu các DN có tuân thủ các quy định về dự trữ bắt buộc, về mức hạn ngạch phân giao nhập khẩu hằng năm hay không?

Ông Long đặt vấn đề dù đã có quy định nhưng các cơ quan đã giám sát các thương nhân đầu mối như thế nào trong việc bảo đảm nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối? Vị chuyên gia cũng băn khoăn vì sao tại các tỉnh khu vực phía Nam, tình trạng thiếu nguồn thường diễn ra phổ biến hơn, hệ thống cung ứng ở khu vực này đang có vấn đề gì? 

Xem xét tước giấy phép ở "thời điểm phù hợp"

Chiều 6-9, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 31-8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu, tổng số tiền phạt hơn 13 tỉ đồng.

Bên cạnh hình thức phạt hành chính, có thêm 5 quyết định xử phạt áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn 1 tháng với 5 thương nhân đầu mối. "Lỗi của họ chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối hiện hành. Khi 5 DN bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, họ sẽ không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán cho tư nhân khác..." - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết theo quan điểm của Bộ Công Thương, những hành vi vi phạm trên cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý đến khó khăn của DN, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như bảo đảm nguồn cung trong nước cho nhu cầu của 100 triệu dân và sản xuất, kinh doanh.

Do đó, sáng 6-9, Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ việc xử lý các DN vi phạm theo hướng trước mắt là phạt tiền, còn hình thức tước giấy phép sẽ áp dụng nhưng áp dụng trong thời điểm phù hợp. "Chúng tôi đang xử lý và hy vọng tìm được biện pháp phù hợp nhất trong thời gian tới" - ông Hải nhấn mạnh.

(Còn tiếp)