Hạnh phúc là cách nhìn lạc quan vào cuộc sống
"Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…"
Câu văn trên của Nguyễn Khải dường như là những gì tóm gọn nhất về Huỳnh Thanh Thảo (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP HCM). Vừa chào đời, cô gái sinh năm 1986 đã mắc bệnh xương thuỷ tinh do di chứng chất độc da cam để lại. 38 năm qua, mọi hoạt động của Thảo gắn liền với chiếc xe lăn. Mỗi lần cô vận động mạnh, xương lại bị vỡ, ba mẹ Thảo không dám cho con đến trường.
Cô ý thức được sự khác biệt của bản thân rất sớm. Hồi nhỏ, Thảo nghĩ rằng khuyết tật là bất tiện chứ không phải bất hạnh. Cô chỉ nghĩ mình khác người ta, chứ không phải là không làm được. Người ta chạy nhảy thì mình nằm cũng được. Cô vui với thế giới nhỏ bé của riêng bản thân. Thảo chia sẻ, nhiều người tiếp xúc với cô, đều nhận xét cô là người rất mạnh mẽ và nghị lực.
Nhưng sâu thẳm, "người mạnh mẽ và nghị lực nhất lại chính là đấng sinh thành, người đã chăm sóc và nuôi dưỡng mình bao năm qua", cô nói. "Cho dù điểm xuất phát không như ý, nhưng mình ít ra có được hai người rất mạnh mẽ, kiên nhẫn, vượt qua sự đàm tiếu. Đấy là điều vô cùng may mắn. Mình tự nhủ chỉ có thể sống tốt và sống tốt hơn nữa để có thể bồi đắp những ân tình với ba mẹ", Thảo nói. Với cô, chỉ cần còn được sống là còn hi vọng.
Mỗi sáng thức dậy, cô soi gương và tự thấy bản thân mình dễ thương. "Mình không quan trọng người ta nhìn mình có đẹp hay không, nhưng mình luôn cảm thấy mình rất dễ thương. Bởi vì chỉ có khi mình yêu được mình, thì người khác mới yêu được mình", Thảo lạc quan kể lại. Hay những lúc đau đớn vì bị căn bệnh quái ác hành hạ, cô tự nói với bản thân "Thảo ơi, đừng bỏ cuộc nhé!"
Và cô gái được mọi người yêu thương gọi với cái tên "Én nhỏ" - nhỏ bé nhưng khát khao vươn lên, tung bay trên cuộc đời rộng lớn.
Hạnh phúc cũng là cho đi với hai tay san sẻ cùng tấm lòng rộng mở yêu thương
Với Thảo, việc sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn, thậm chí đi lại là không thể. Nhưng khao khát được biết chữ, được học toán luôn cháy rực trong cô từ nhỏ. Thảo nhờ mẹ và chị gái dạy cho mình những con chữ, con số đầu đời. Biết chữ rồi, cô mày mò, tự học thông qua sách, báo…
Chính niềm đam mê với con chữ và sức mạnh vươn lên ấy đã thôi thúc cô làm những điều tử tế, phụng sự xã hội. Ngoài việc đọc sách, cộng tác cho các tờ báo, đến năm 2000, Thảo mở lớp dạy học có tên "Lớp học cô Ba Thảo" cho các em nhỏ khó khăn trong xóm. Thấy các em ham học hỏi, Thảo tiếp tục vận động sách cũ, thành lập "Thư viện cô Ba" dành cho các em. Bên cạnh những buổi sinh hoạt với các em, cô thường tổ chức các buổi sinh nhật tập thể, trung thu, giáng sinh đầy ý nghĩa cho tụi nhỏ; và thành lập một quỹ học bổng "Cô Ba Ấp Ràng" để tiếp sức thêm cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mỗi ngày, thư viện của cô Ba Thảo lại rộn ràng đám trẻ qua lại. Đứa nào cũng hớn hở vì được cô chào đón, ân cần nói chuyện. "Không phải chỉ có nhiều sách hay, mà khi nghe cô Ba nói chuyện, con thấy rất khâm phục nghị lực của cô Ba. Đó chính là động lực để tụi con cố gắng hơn mỗi ngày", một bạn rạng rỡ chia sẻ.
Miệt mài cống hiến sức mình suốt 23 năm, giờ đây tâm sức của Thảo đã phần nào được đáp đền khi hơn 100 học sinh nghèo ở ấp Ràng đã tự tin bước vào giảng đường đại học. Thư viện cô Ba Ấp Ràng tuy nhỏ bé nhưng chứa hơn 5.000 đầu sách, góp phần không nhỏ trong hành trang đi tìm con chữ cho những đứa trẻ ở vùng quê nghèo.
Từ khi thành lập "Thư viện sách mini", Thảo đã tâm niệm sống là một hành trình tận hiến, ít nhất trong khả năng mình với chính những mảnh đời còn khó khăn hoặc khiếm khuyết. Trong năm 2023, Thảo tạm dừng việc dạy học để tập trung vào các dự án phát triển tủ sách, hoạt động thiện nguyện cho trẻ em, người già, người khuyết tật.
Đến thư viện mini tại xóm nhỏ ở Củ Chi, TP HCM của "Én nhỏ", chị Vũ Phương Thanh, Vô địch Swiss Ultra 2022, Đại sứ Thương hiệu Number 1 không khỏi bất ngờ. "Được trò chuyện với cô Ba, cảm thấy như gặp được một người bạn lâu năm. Tinh thần và năng lượng tích cực của chị Thảo là điều mà Thanh luôn muốn vươn tới. Những gì mà Thanh lắng nghe, được truyền cảm hứng từ chị hôm nay là động lực cho Thanh tiếp tục cố gắng lan tỏa đến cộng đồng xung quanh, và những bạn bè trên thế giới", chị Thanh chia sẻ.
Trong cuộc sống hối hả đôi khi ta chợt chạnh lòng trước những hoàn cảnh kém may mắn. Và trong mỗi con người ấy đều tiềm ẩn khao khát được vươn lên, được hòa nhập nhưng các em sẽ ra sao nếu không có sự tiếp sức của cộng đồng. 36 tuổi với không ít những lần phải giành giật sự sống từ tay tử thần nhưng giấc mơ hạnh phúc của Thảo lại rất dung dị: "Gia đình hạnh phúc của tôi là bọn trẻ, việc dạy học, thư viện sách sẽ luôn theo dấu mỗi bước chân tôi. Nhưng, tôi vẫn còn một ước mơ nữa là ngày càng tổ chức được nhiều hơn những chương trình thiện nguyện, mang yêu thương đến với những người khuyết tật, những cụ già neo đơn".
"Cô Ba" - tiếng gọi gần gũi, thân thương giống như người trong cùng một gia đình. Cô Ba tuy nhỏ bé nhưng lại là người mở ra một không gian đa sắc màu cho tụi trẻ, kết nối những đứa trẻ ở vùng nông thôn với thế giới bao la rộng lớn qua những trang sách lý thú. Và chính cô Ba cũng chính là một cuốn sách về niềm tin yêu cuộc đời, khát khao sống và cống hiến.
Câu chuyện về "cánh én" vượt lên nghịch cảnh và khát khao cống hiến cho đời của Huỳnh Thanh Thảo đã trở thành chủ đề chính trong chương trình "Nối trọn yêu thương" của Truyền hình Nhân đạo (VTV) phát sóng tháng 9/2023.
Với tâm nguyện phụng sự xã hội, truyền nghị lực cho mọi mảnh đời gian khó trên khắp Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã là nhà đồng hành với chương trình Nối trọn yêu thương kể từ năm 2019.
5 năm qua khắp mọi miền đất nước, chương trình đã tôn vinh nhiều nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh và kêu gọi sự chung tay của xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt.
Với tinh thần phụng sự, gieo yêu thương, tiếp nghị lực cho những mảnh đời khó khăn, Tân Hiệp Phát không ngừng nỗ lực đóng góp giá trị vào những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ đời đống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn như hoạt động bảo trợ 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi, chăm sóc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc gia đình chính sách…