Tối 20/7, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM cho biết bệnh viện đang điều trị bé trai L.G.B., 5 tuổi (ngụ quận Bình Tân), bị ong vò vẽ tấn công hơn 15 nốt, phải chạy ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), đồng thời lọc máu liên tục.
Theo lời kể gia đình, bé B. bị ong vò vẽ tại tổ ong trước vườn tấn công. Ngay sau đó, bé có biểu hiện nôn ói, tiêu lỏng, tiểu ít, khó thở, sưng vết chích rồi dần mê man, sưng phù mi mắt.
Vết ong đốt được người nhà sơ cứu, giảm đau tại chỗ bằng lá môn và vôi trầu. Tuy nhiên khi vào đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố thì bé đã trải qua 8 giờ sau gặp nạn.
Lúc này bé B. đã lừ đừ, môi tái, oxy máu thấp, tay chân mát lạnh, mạch nẩy mờ khó bắt, huyết áp tụt nghiêm trọng khó đo, vàng da, vàng mắt, vết chích hoại trung tâm 15 vết ở đầu, lưng, mông, mi mắt.
Tại viện đội ngũ các bác sĩ nhanh chóng điều trị cho bé bằng cách đặt nội khí quản, thở máy, tăng nhanh liều vận mạch nhiều loại, kháng viêm mạnh toàn thân, kháng dị ứng.
Các bác sĩ đã xử trí như một trường hợp phản vệ nhưng vẫn chưa khống chế được độc tố và tình trạng suy đa tạng tiến triển nhanh chóng.
Tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, bé B. đang trong tình trạng suy gan thận, chức năng tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rối loạn đông máu, tổn thương phổi rất nặng, thở máy và trong tình trạng suy hô hấp rất nặng.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm, tốc độ thở máy của bệnh nhi đã không kiểm soát được và buộc phải chỉ định khẩn chạy ECMO chế độ VAV (vừa hỗ trợ tim và phổi nhân tạo cùng lúc và tối ưu nhất), đồng thời lọc máu liên tục. Các bác sĩ cho biết nếu cấp cứu chậm, không hỗ trợ ECMO kịp thời bé có thể bị ngưng tim.
Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi dần cải thiện, cai được ECMO sau hơn nửa tháng và rút ống nội khí quản. Sau một tháng điều trị, tình trạng suy đa tạng cải thiện tốt, tổn thương phổi đang dần ổn định trở lại.
"Sau khi bị ong đốt bệnh nhi đã ở nhà hơn 8 giờ, khi ở nhà bé chỉ có dấu hiệu nôn ói, nhưng khi đến viện đã sốc sâu, suy đa tạng. Phụ huynh lưu ý những trường hợp tương tự cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay sau khi bị đốt, đặc biệt là khi có các dấu hiệu bất thường", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Theo bác sĩ, khi bị ong đốt thì tùy theo loại ong mà nọc độc sẽ ít hay nhiều. Trong khi ong mật gần như không độc thì ong vò vẽ và ong đất (ong bắp cày), ong bầu chứa độc tố có thể gây chết người. Trong các ca cấp cứu vì bị ong đốt, thường gặp nhất là ong vò vẽ và ong đất đốt.
Độc tố trong nọc độc của ong gồm Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonine, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin…gây tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp.
Sau khi vào cơ thể, các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng như phù nề, nổi mề đay. Nặng nhất là sốc phản vệ và có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng sau 15 phút.
Cách xử trí khi bị ong đốt
Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.
Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt cần nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng cách:
- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
- Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngày khi có các dấu hiệu như đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều, số lượng nước tiểu ít dần...
Lưu ý: Đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như mặt, đầu, cổ,...
- Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.
- Trường hợp người bị đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chỉ khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.
Trúc Chi (t/h theo Tuổi Trẻ, Tiền Phong)