Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, IIP tháng 3 tăng 25,73%

Admin

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 25,73% so với tháng trước, nhưng giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước.

Quý I/2024, IIP toàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 6,67%

Theo Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Quý I/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trêm địa bàn diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương sứng với mức giảm lãi suất huy động, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm.

Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, IIP tháng 3 tăng 25,73%- Ảnh 1.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 25,73% so với tháng trước

Tuy vậy, trong tháng 3/2024, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng 25,73% so với tháng trước và giảm 3,16% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, ngành khai khoáng tăng 25,59%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,17%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,68%...

Tính chung quý I/2024, ước tính IIP toàn tỉnh tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,63% và chỉ số tồn kho tháng 3 tăng 9,19%.

"Cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức” – báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.

Cụ thể, sản lượng sản xuất của nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong quý I/2024 như sau. Sản lượng ô tô ước đạt 6.735 nghìn xe, giảm 22,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về lý do ngành sản xuất ô tô giảm mạnh, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Đây là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô trong quý I/2024 kém sôi động, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân hạn chế mua sắm tài sản có giá trị lớn; cùng với chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 cũng là nguyên nhân khiến người dân hạn chế mua xe ô tô trong thời gian này. Sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp trong ngành là Toyota, Honda đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và nhu cầu của thị trường, khiến IIP tháng 3/2024 và quý I/2024 của ngành giảm khá sâu so với cùng kỳ.

Sản lượng xe máy ước đạt 371 nghìn xe, giảm 2,87%. Đặc biệt, theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc do ông Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký, nêu rõ: Trong kỳ, để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng xe tiêu thụ và gia tăng doanh số, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đưa ra thị trường nhiều mẫu xe mới với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá như hỗ trợ lệ phí đăng ký, tăng Voucher, tặng quà… tuy nhiên, do thị trường xe máy tại nước ta hiện nay ở ngưỡng bão hoà trong khi một số bộ phận người dân chuyển sang sử dụng xe ô tô hoặc xe điện thay thế các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong nên sức mua thấp, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm.

Về sản phẩm linh kiện điện tử, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải thích về sự tăng trưởng trên, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Quý I/2024, một số doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện di chuyển các công đoạn sản xuất từ các nhà máy ở Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, một số hãng công nghệ lớn đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng mới với nhiều thay đổi trong thiết kế phần cứng và phân mềm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng . Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã có thêm được nhiều đơn hàng, góp phần ổn định việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất, gia tăng doanh thu và duy trì sự tăng trưởng cho các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, IIP tháng 3 tăng 25,73%- Ảnh 2.

Công nghiệp điện tử là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác

Doanh nghiệp gặp khó do khan hiếm đơn hàng

Đánh giá về các khó khăn, hạn chế trong tăng trưởng kinh tế - xã hội quý I/2024, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể có xu hướng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có đóng góp chính vào tăng trưởng, thu ngân sách như ô tô, xe máy đều có sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục khan hiếm đơn hàng, phần lớn nằm ở nhóm các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và sản xuất, lắp ráp linh kiện cho ngành ô tô, xe máy. Đơn hàng không ổn định, kéo theo việc nhân lực thay đổi cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu do tiêu dùng thế giới và trong nước giảm dẫn đến ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh suy giảm, trong khi đây là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng, thu ngân sách. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh như ô tô, xe máy giảm.

Để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân trong tiếp cận tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.