Vượt qua hơn 600 sản phẩm dự thi thuộc hơn 300 hạng mục, dịch vụ giám sát an toàn thông tin, Viettel Virtual SOC của Viettel IDC đã xuất sắc đạt giải ở hạng mục Managed Security Service - Dịch vụ giám sát an toàn thông tin của Giải thưởng Cybersecurity Excellence Awards - Giải thưởng quốc tế uy tín về bảo mật, an ninh mạng.
Ông Holger Schulze - Giám đốc điều hành của Cybersecurity Insiders cho biết: "Giải thưởng năm nay có tính cạnh tranh rất cao. Thành tích của Viettel IDC đã minh chứng cho cam kết của công ty về việc không ngừng đổi mới và dẫn đầu trong lĩnh vực an ninh mạng."
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự phổ biến trong ứng dụng AI, các hành vi tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi hơn. AI cũng có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ hơn nữa để tin tặc tìm và khai thác những lỗ hổng mới trong phần mềm để thực hiện các cuộc tấn công.
Theo ước tính từ Statista’s Market Insights, chi phí thiệt hại do tội phạm mạng gây ra trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong 4 năm tới, từ 9,2 nghìn tỷ USD vào năm 2024 lên gần 14 nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner, tổng chi tiêu cho an ninh mạng và rủi ro trên toàn cầu đạt 188 tỉ USD trong năm 2023 (tăng 12% so với năm 2022).
Hiện nay, Việt Nam đang là tâm điểm của các cuộc tấn công mạng. Thống kê từ Kaspersky, năm 2023 Việt Nam có đến 17,1 triệu trường hợp lây nhiễm mã độc cục bộ nhắm vào các doanh nghiệp. Ước tính, mỗi ngày có hơn 15.000 mã độc xuất phát từ Việt Nam.
Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2024, không gian mạng Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt các chiến dịch tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) nhắm vào một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng, chứng khoán, viễn thông, gây tê liệt hệ thống và để lại tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho doanh nghiệp, điều chưa từng xảy ra trước đây.
Đây là lúc mục tiêu bảo vệ dữ liệu, phòng chống tấn công từ bên ngoài trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng hơn tới các giải pháp tổng thể bao gồm các giải pháp giám sát hệ thống an toàn thông tin (ATTT), giúp chủ động giám sát, phòng ngừa và bảo vệ sớm khỏi các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn nhờ việc liên tục xác định, phân tích, điều tra, phản ứng và báo cáo một cách chính xác theo thời gian thực.
Không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, triển khai một hệ thống giám sát ATTT như Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) đang trở thành một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng và doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục.
Giải pháp giám sát ATTT tự động cho tổ chức, doanh nghiệp
SOC có thể triển khai trên hệ thống vật lý và trên nền tảng điện toán đám mây. Trong khi hệ thống SOC vật lý đòi hỏi doanh nghiệp phải tự xây dựng và triển khai đội ngũ giám sát ATTT riêng, tốn kém nguồn chi phí và nhân lực; thì hệ thống SOC đám mây được xem là giải pháp tối ưu hơn cho nhiều doanh nghiệp có ngân sách hạn chế, nhờ hệ thống triển khai linh hoạt, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực nhờ đội ngũ chuyên gia giám sát 24/7 của nhà cung cấp thay vì khách hàng phải tự xây dựng đội ngũ và quy trình giám sát, xử lý sự cố ATTT riêng.
Viettel Virtual SOC (vSOC) hay còn gọi SOC-as-a-service là dịch vụ giám sát ATTT 24/7 triển khai trên nền tảng điện toán đám mây, cung cấp bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng của Viettel IDC.
Dịch vụ vSOC giúp phát hiện nhanh chóng các hành vi bất thường và phản ứng với các sự cố bảo mật
Viettel Virtual SOC cung cấp cho khách hàng khả năng phát hiện nhanh chóng các hành vi bất thường và phản ứng với các sự cố bảo mật, từ đó giảm thiểu rủi ro, dự phòng trước các cuộc tấn công tiềm ẩn. Bằng cách tự động phản ứng lại các mối đe dọa, vSOC giúp tạo ra một môi trường an toàn thông tin đáng tin cậy cho doanh nghiệp, đảm bảo sự tiếp cận tích cực đối với bảo mật mạng.
Đáng chú ý, Viettel Virtual SOC được xây dựng trên nền tảng OPEN XDR, là công nghệ tiên phong và đi đầu trên thị trường, được cung cấp với một chi phí hợp lý và cạnh tranh. Nền tảng này cho phép phát hiện và phản ứng mối đe dọa toàn diện và tích hợp, tận dụng các phân tích tiên tiến và tự động hóa để tăng cường hiệu suất và hiệu quả của các hoạt động bảo mật.
Bên cạnh đó, Viettel Virtual SOC thể hiện khả năng thu thập, giám sát và phân tích dữ liệu từ nhiều môi trường và nền tảng đa dạng, bao gồm các ứng dụng, thiết bị kết nối, mạng, máy chủ, ảo hóa và môi trường đa Điện toán đám mây.
Dấu ấn giải thưởng Cybersecurity Excellence Awards của Viettel Virtual SOC - giải pháp trọng điểm trong bộ giải pháp bảo mật toàn diện của Viettel IDC - là lời khẳng định: Viettel IDC luôn nỗ lực trên hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trước các mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng phức tạp và tinh vi./.