Vị thế ‘vua’ TMĐT bất biến của Amazon lung lay bởi bộ 3 quyền lực: Đang cố gắng mở rộng ‘lãnh địa’, chiêu mộ cả nhân viên cũ của đối thủ

Admin

'Họ có tiền. Họ có kinh nghiệm. Họ biết có một khoảng trống trên thị trường quốc tế'.

Shein và TikTok đang tìm cách mở rộng ‘lãnh thổ’, chiêu mộ nhân viên Amazon và thậm chí, xây dựng không gian làm việc trong cùng tòa tháp ở Seattle. Quyết định chuyển đến quê hương Amazon cho thấy tham vọng của 2 đối thủ ‘nặng ký’ đang lăm le soán ngôi gã khổng lồ bán lẻ Mỹ.

TikTok ra mắt công cụ mua sắm trên ứng dụng của mình vào năm ngoái, trong khi Shein giành được vị thế hãng thời trang nhanh lớn nhất nước Mỹ. Nhiều sản phẩm thương mại điện tử được TikTok tiếp thị đều đến từ Shein.

Will Gordon, cựu giám đốc điều hành Amazon kiêm đồng sáng lập của Latchel, công ty cung cấp dịch vụ bảo trì nhà cửa, cho biết Seattle từ lâu đã trở thành trung tâm chuỗi cung ứng hậu cần bởi sự hiện diện của Amazon. Tuy nhiên điều này, theo thời gian, đã không còn đúng nữa.

“Những gì được áp dụng hiệu quả ở Amazon chưa chắc đã hiệu quả ở những công ty khác. Cách tiếp cận dựa trên quy trình và số liệu cần phải được điều chỉnh”, Will Gordon nói.

Shein đang bước những bước chân đầu tiên tới Seattle, vậy nên số lượng nhân viên còn ít. Giám đốc logistics của hãng là Wei “Andy” Huang - người trước đây làm việc tại Amazon và Alibaba đặt mục tiêu xây dựng kho hàng tại Mỹ dù việc thiết lập kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu. Trong một bài đăng trên LinkedIn, Huang viết rằng công ty đang tuyển dụng vị trí nhân viên logistics cấp cao ở Seattle.

Tương tự, đội ngũ nhân viên TikTok cũng ngày càng tăng tại Key Center. Nhiều người trong số đó là cựu nhân viên Amazon.

Cách tiếp cận của Shein và TikTok cho thấy tham vọng cạnh tranh mãnh liệt với Amazon. TikTok vào năm ngoái đã ra mắt nền tảng TikTok Shop, trong khi Shein điều hành ít nhất một nhà kho ở Indiana.

Vị thế ‘vua’ TMĐT bất biến của Amazon lung lay bởi bộ 3 quyền lực: Đang cố gắng mở rộng ‘lãnh địa’, chiêu mộ cả nhân viên cũ của đối thủ- Ảnh 1.

Mỹ là thị trường lớn nhất của Shein. Hãng, vốn vận chuyển phần lớn sản phẩm của mình từ Trung Quốc, đã nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tập trung xây dựng kho vận tại xứ cờ hoa. Nhà kho thứ hai tại Cherry Valley, California đang được thực hiện.

Việc xây dựng kho hàng ở Mỹ có thể giúp Shein đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời thu hút người bán và các thương hiệu Mỹ tham gia nền tảng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Được biết yếu tố làm nên sự thành công của Amazon nằm ở chuỗi cung ứng và hậu cần - thứ vẫn được coi là tiêu chuẩn về tính hiệu quả và niềm tự hào, cho phép hãng giao nhanh các kiện hàng chỉ trong 2 ngày hoặc ít hơn.

Sự thúc đẩy của Shein và TikTok đối với khu vực Seattle đến vào thời điểm thích hợp. Amazon hiện đã cắt giảm vị trí tại các bộ phận chăm sóc sức khỏe, giải trí, thiết bị và trò chơi sau khi sa thải khoảng 27.000 nhân sự khoảng một năm trước.

Shein, TikTok và Temu đã trở thành vấn đề cấp bách đối với Amazon khi các nền tảng mua sắm Trung Quốc bắt đầu đi qua biên giới. Theo Yao Kaifei, người sáng lập công ty khởi nghiệp thương mại điện tử BrandAI, lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc đang khao khát ‘chuhai’, một thuật ngữ chỉ hoạt động dấn thân mạo hiểm ra nước ngoài. “Người bán và nền tảng muốn rũ bỏ mác giá rẻ “sản xuất tại Trung Quốc” và tạo dựng tên tuổi mới”, Yao Kaifei nói.

Theo công ty nghiên cứu Data.ai, đến tháng 9/2023, khoảng 1 năm sau khi ra mắt, Temu có hơn 61 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ và hiện có mặt tại 48 quốc gia. Shein cũng được coi là một trong những công ty thời trang nhanh lớn nhất thế giới, thậm chí mở rộng sang bán các sản phẩm đồ gia dụng và điện tử. Theo Data.ai, đây là ứng dụng mua sắm hàng đầu trên cửa hàng Google Play ở 115 quốc gia. Trong khi đó, TikTok Shop cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường Đông Nam Á.

“Họ có tiền. Họ có kinh nghiệm. Họ biết có một khoảng trống trên thị trường quốc tế. Trong nước đang khó khăn, vậy tại sao chúng ta không bước ra ngoài?”, Lin Zhang, phó giáo sư tại Đại học New Hampshire, người chuyên nghiên cứu về thương mại điện tử, nói.

Trong tham vọng này, Shein đi đầu. Được thành lập vào năm 2008 tại Nam Kinh, ngay từ đầu nền tảng này đã dành riêng cho khách hàng quốc tế. Doanh số bán hàng tăng lên trong suốt những năm 2010, song phải đến khi đại dịch bùng phát, Shein mới thực sự tỏa sáng.

Juliana Silva, một nhà tâm lý học bệnh viện tại Brazil, cho biết cô đã trở thành khách hàng trung thành của Shein sau khi xem quảng cáo trên Instagram về quần áo cỡ lớn. “Tôi thực sự khó chịu khi đến các cửa hàng tại Renner hoặc Riachuelo. Ở đây có những chiếc áo giống hệt trên Shein nhưng bị bán với giá quá cao”, cô nói.

Ngoài Shein, Temu cũng dành được rất nhiều cảm tình từ người dùng. Nền tảng này nổi tiếng nhờ mô hình mua chung, cho phép người tiêu dùng tiết kiệm chi phí thông qua việc nhờ bạn bè cùng mua một sản phẩm với số lượng lớn.

Dẫu vậy, theo một số chuyên gia, sự tham gia của các ‘tân binh’ như Temu, Shein, dù có tiềm năng đến đâu, cũng sẽ chỉ như ‘muối bỏ bể’ trong một thị trường Amazon đã thống trị.

Theo Sameweb, 93% người dùng truy cập Temu cũng mua hàng trên Amazon, song ngược lại, chỉ có 8% người dùng Amazon ghé thăm Temu. Trang web của Amazon hiện có khoảng 2 tỷ khách truy cập và 150 triệu lượt mua hàng mỗi tháng.

Về mặt này, Shein và cả Temu chắc chắn không địch được. Tỷ lệ khách truy cập hoàn tất mua hàng của Amazon rơi vào khoảng gần 12%, trong khi Shein và Temu chỉ dao động ở mức khoảng 5%.

Điều này đồng nghĩa với việc ‘sức mạnh’ của cả Temu và Shein chưa đủ để tác động lên vị thế các nhà bán lẻ lâu đời khác. Nhiều khách hàng vẫn còn phàn nàn về thời gian vận chuyển chậm trễ của Temu cũng như các tiêu chuẩn về môi trường của Shein.

“Temu, Shein đưa ra mức giá hấp dẫn cho nhiều loại hàng hóa nói chung nhưng trải nghiệm khách hàng chưa thực sự nhất quán”, một chuyên gia nhận định.

Theo: WSJ, Rest of World