Thông tin mới đây từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 31/3/2022, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Winphar đã được thành lập với số vốn điều lệ 10 triệu đồng.
Trong đó, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce nắm 80% vốn, bà Đỗ Thị Hoàng Yến nắm 10% vốn và ông Trần Phương Bắc nắm 10% vốn. Hai nhân vật này đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Tập đoàn Masan.
Đến ngày 1/7/2022, công ty Winphar đã đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng.
Một cửa hàng Winmart đang trong quá trình nâng cấp và dự kiến sẽ có Dr. Win
Như vậy sau FPT Retail, Thế giới di động, đến lượt tập đoàn Masan có những động thái tiến công vào thị trường bán lẻ dược phẩm. Vì sao 3 ông lớn này đều đang dồn lực phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩm?
Ngành ICT & CE đã đạt đỉnh lợi nhuận
Theo nhận định của SSI Research, lạm phát làm ảnh hưởng đến sức mua, buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu từ quý 2/2022.
Xem xét lợi nhuận của mảng kinh doanh ICT (Information And Communications Technology - Công nghệ thông tin và truyền thông) & CE (Consumer Electronics - điện tử tiêu dùng) của các doanh nghiệp đầu ngành đã bắt đầu bộc lộ rõ xu hướng này.
Digiworld công bố lợi nhuận ròng quý 2/2022 tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 97% so với cùng kỳ trong quý 1/2022. Với Thế giới di động, tăng trưởng doanh thu từ mảng ICT & CE trong tháng 5 là 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 20- 22% từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022.
SSI Research đánh giá đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao như FPT Retail và Digiworld, tăng trưởng doanh thu có thể ở mức thấp một con số do nền cơ sở cao trong 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh hưởng của vấn đề thiếu chip đã giảm bớt do nhu cầu tăng trưởng chậm hơn.
Sang đến năm 2023, doanh thu ngành này sẽ thấp hơn so với mức tăng trưởng trước dịch Covid, do tỷ lệ sở hữu điện thoại di động và thiết bị gia dụng lớn hiện nay cao hơn trước đây.
Bên cạnh dự báo về doanh thu giảm trong năm 2023, lợi nhuận của các ông lớn ngành điện máy được cho là có thể đã đạt đỉnh.
Ví dụ với Digiworld, FPT Retail lợi nhuận cả về giá trị tuyệt đối và phần trăm tăng trưởng so với cùng kỳ đã đạt đỉnh vào quý 4/2021 nhờ doanh thu máy tính xách tay tăng cao bất thường. Tăng trưởng lợi nhuận quý 4 năm 2022 của Digiworld có thể sẽ âm trong khi FPT Retail sẽ giảm so với mức cao của năm ngoái.
Đối với Thế giới di động vẫn có thể tăng lợi nhuận nhờ tăng thị phần trong mảng ICT và CE, mặc dù tăng trưởng từ mảng này sẽ thấp.
Xoay chuyển trước bối cảnh kinh tế mới
Thị trường chuỗi nhà thuốc hiện tại ghi nhận 3 tên tuổi lớn nhất gồm Pharmacity có 1.128 cửa hàng, Long Châu (thuộc FPT Retail) có hơn 701 điểm bán và An Khang (thuộc Thế Giới Di Động) con số là 517. Các số liệu trên được chúng tôi ghi nhận vào ngày 21/7/2022, trên website chính thức của các đơn vị.
SSI Research cho rằng lợi nhuận năm 2023 của FPT Retail sẽ được hỗ trợ từ lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc. Nhờ có kinh nghiệm lâu đời trong kinh doanh bán lẻ dược phẩm, Long Châu sẽ tiếp tục giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.
Cửa sáng về tăng trưởng lợi nhuận đến từ bán lẻ dược phẩm không chỉ đối với FPT Retail mà Thế giới di động cũng đang đi theo hướng này. Sau khi mua lại cổ phần của An Khang vào năm 2017, ông lớn này đã dành ra 5 năm nghiên cứu và chuẩn bị bước đệm trước khi bước vào mảng này. Đến đầu năm 2022, sau khi nhận định thị trường hậu đại dịch đang mở ra nhiều cơ hội mới, nhà thuốc An Khang chính thức bước vào cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ dược phẩm.
Cuối năm 2021, An Khang mới chỉ có 178 nhà thuốc tại 25 tỉnh thành. Trung bình mỗi tháng có 100 cửa hàng An Khang được mở thêm, và tính đến tháng 7/2022, An Khang đã đạt mốc 500 cửa hàng, đứng đầu về số lượng tại các tỉnh miền Tây, và đang dần mở rộng ra miền Trung và Bắc. Từ đầu năm 2022, lượng doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2021.
Báo cáo phân tích mới đây của SSI Research nhận định ngành chăm sóc sức khỏe (bao gồm các công ty dược và bệnh viện tư nhân niêm yết) sau 6 tháng đầu năm thuận lợi, dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022. Ước tính tăng 13% so với cùng kỳ. Triển vọng lợi nhuận tích cực của ngành chăm sóc sức khoẻ còn được dự báo kéo dài sang năm 2023 với ước tính 11% so với cùng kỳ. Đây được xem là mức tăng trưởng hấp dẫn trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Cơ hội trên thị trường dược phẩm vẫn còn mở rộng với tất cả các bên. Trong một báo cáo của Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI, công ty này cho biết, hồi năm 2016 tổng số cửa hàng thuốc của cả nước là 55.300 cửa hàng, với chỉ có 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~1% thị phần).
Năm 2021, sau một thời gian dài thắt chặt quy định đối với thuốc không kê đơn và nâng cao tiêu chuẩn với mỗi nhà thuốc, tổng số cửa hàng thuốc đang hoạt động chỉ còn 44.600 đơn vị, nhưng đã có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~4% thị phần).
Khi thu nhập bình quân đầu người tăng cao và nhận thức tốt hơn về người dần về các vấn đề sức khỏe, những chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ tương tự như bán lẻ bách hoá tiêu dùng trước đây.
https://cafebiz.vn/quan-ngu-tranh-thuc-vi-sao-the-gioi-di-dong-fpt-retail-masan-deu-dang-don-luc-phat-trien-cac-chuoi-ban-le-duoc-pham-20220722111200698.chn