Vì sao Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất?

Admin

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến lạm phát của Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy nên việc tăng lãi suất là chưa cần thiết; thay vào đó, cần tìm cách hạ giá xăng dầu để hạ giá các loại hàng hóa.

TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
275 bài viết
Tôi cho rằng ngoài việc chúng ta phục hồi kinh tế, năm nay cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có câu chuyện về lạm phát, rủi ro hệ thống tài chính, nhất là thị trường chứng khoán và bất động sản- không có nghĩa là siết chặt nhưng phải lành mạnh hoá.
Tại: Rủi ro thị trường tài chính của Việt Nam ở mức “Trung bình cao”
Về lâu dài, cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính là trần tăng trưởng tín dụng. Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng.
Tại: Khó bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng ngay, vì sao?

Trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu tăng cao và thời gian qua nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất (có khoảng 80 lượt tăng lãi suất quy mô lớn từ đầu năm) vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn chưa tăng lãi suất?

Câu hỏi trên đặt ra và nhận được nhiều sự quan tâm của các diễn giả tại Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" diễn ra sáng 15/7.

Lý giải về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, lạm phát tại Việt Nam tăng chủ yếu do yếu tố giá cả (chi phí đẩy) hơn là yếu tố tiền tệ gồm cung tiền và vòng quay tiền.

Ông cho rằng việc tăng lãi suất chỉ có tác dụng nhiều khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, NHNN có tăng lãi suất điều hành cũng chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế.

"Cùng với đó, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này", TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong ba năm qua dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt.

Ông dẫn chứng, năm 2020 Việt Nam là ngôi sao về tăng trưởng với GDP đạt 2,91% trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sang năm 2021, khi kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng mạnh 6,1% thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp. 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam lại phục hồi tốt khi kinh tế thế giới suy giảm.

"Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới được", ông Thành nói.

Thứ nữa, theo vị chuyên gia, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên việc điều hành liên quan đến vấn đề này rất quan trọng, đòi hỏi phải thận trọng. Bên cạnh đó, mức mất giá của VND hiện nay không quá lớn nên cần ưu tiên giữ ổn định tỷ giá của VND. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cấp thiết.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng việc tăng lãi suất là vấn đề Việt Nam cần phải quan sát kỹ vì Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu nên nếu như càng tăng lãi suất hay phá giá đồng tiền thì càng ảnh hưởng đến nhập khẩu.

Trước đó, cùng chia sẻ về vấn đề lạm phát tại toạ đàm "Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt" ngày 14/7, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận, "bóng ma" lạm phát đang ám ảnh các quốc gia trên thế giới. "Bóng ma" này được hình thành từ sự chủ quan, tin rằng việc tung hàng chục nghìn tỷ USD tung ra để đỡ nền kinh tế trong dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì lớn.

Tuy nhiên, thực tế không như vậy, hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ. Số liệu vừa công bố cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm qua.

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine bất ngờ nổ ra, kéo theo sau là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa leo thang... cũng khiến áp lực lạm phát tăng thêm.

"Lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu, và đi dần vào giá tiêu dùng. Tức là lạm phát tại Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu", ông nhấn mạnh.

Để chống lạm phát chi phí đẩy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN khó có thể làm gì hơn bởi việc nới lỏng và thắt chặt đều ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, vì vậy chính sách tiền tệ khó có động thái mạnh mẽ vào lúc này.

"Để chống lạm phát chi phí đẩy thì tăng lãi suất không phải là biện pháp. Điều duy nhất Chính phủ có thể làm lúc này là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu. Bởi lẽ, mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam đang đánh thuế 40%, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hoá tăng giá theo", ông nêu đề xuất.