Vì sao 283 dự án đầu tư công ở TP HCM chậm tiến độ?

Admin

TP HCM tiếp tục nghiên cứu, triệt để áp dụng các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 để đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ, tiến độ dự án.

UBND TP HCM vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giám sát, đánh giá tổng thể về  đầu tư năm 2023.

Theo UBND TP HCM, trong kỳ báo cáo này, có hàng trăm dự án trên địa bàn chậm tiến độ.

Cụ thể, tổng khối lượng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kỳ là hơn 43.696 tỉ đồng, chiếm 71,65% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao của TP HCM.

Số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ là 1.930, trong đó chuyển tiếp 1.676 dự án, khởi công mới 254 dự án. Số dự án chậm tiến độ trong kỳ là 283, trong đó do khâu giải phóng mặt bằng chiếm số lượng lớn với 157 dự án.

Vì sao 283 dự án đầu tư công ở TP HCM chậm tiến độ?- Ảnh 1.

Công nhân thi công gói thầu dự án đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn

UBND TP HCM cho hay sau khi các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các chủ đầu tư lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết để thực hiện từng dự án cụ thể. Các dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, biến động giá vật liệu, bồi thường giải phóng mặt bằng và một số nguyên nhân khác dẫn đến một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch. Có thể kể đến do thủ tục đầu tư; năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu; bố trí vốn không kịp thời...

Kế hoạch vốn đầu tư công của TP HCM năm 2024 là hơn 79.000 tỉ đồng. Thành phố đã đặt mục tiêu, quyết tâm giải ngân đạt từ 95% trở lên trên tổng số kế hoạch vốn được giao.

Nhằm khắc phục, nâng cao khối lượng giải ngân để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, UBND TP HCM đã ban hành các quyết định phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện và hoàn tất việc lập kế hoạch giải ngân, với số liệu chi tiết giải ngân từng dự án theo từng tháng, kèm theo nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện với các mốc thời gian hoàn thành cụ thể trên cơ sở nguyên tác đã được UBND TP chỉ đạo là quý 1 từ 10% trở lên, quý 2 từ 30% trở lên, quý 3 từ 70% trở lên và quý 4 từ 95% trở lên.

UBND TP HCM cũng ban hành Thông báo 357/2023, chỉ đạo các sở chuyên ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công ít nhất 30% so với quy định; các thủ tục liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải thực hiện tối đa 30 ngày; các thủ tục đầu tư khác tối đa 10 ngày và UBND TP xem xét, có chỉ đạo tối đa 7 ngày làm việc.

Cơ quan chủ quản, chủ đầu tư có giải pháp khuyến khích nhà thầu tăng tốc thi công (khuyến khích 3 ca 4 kíp; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

TP HCM tiếp tục nghiên cứu, triệt để áp dụng các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố để đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ. Đồng thời, báo cáo bộ, ngành sớm có hướng dẫn các nội dung còn chưa cụ thể khi áp dụng nghị quyết này.

TP HCM cũng hoàn thiện các quy chế phối hợp để làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp của các tổ công tác. Gắn kết quả giải ngân đầu tư công với đánh giá thi đua, công tác cán bộ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; có biện pháp chế tài, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có tỉ lệ giải ngân thấp.

Trong năm 2023, tổng số dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công được đưa vào vận hành là 607, gồm 3 dự án nhóm B và 604 dự án nhóm C.

Các dự án đưa vào khai thác, vận hành đảm bảo chất lượng và chưa phát hiện dự án có vấn đề về kỹ thuật, đầu tư không hiệu quả.