Tận dụng chính sách ưu đãi để mua nhà
Doãn Việt (thiết kế UI) sở hữu căn nhà đầu tiên vào năm 2020. Đây là căn hộ 48m2, giá 2 tỷ đồng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, anh chàng đã vay 1,4 tỷ đồng, tương đương 70% giá trị căn nhà, được hưởng chương trình ân hạn lãi suất 0% trong 16 tháng từ ngân hàng A. Trong thời gian đó, anh chàng trả thêm 400 triệu đồng, tương đương 20% giá trị căn nhà. Do vậy khi kết thúc chương trình ân hạn lãi suất 0%, anh chàng chỉ còn nợ ngân hàng 1 tỷ đồng.
“Cùng thời điểm đó, mình đã vay từ ngân hàng B - lãi suất thấp hơn ngân hàng A - để trả đứt khoản nợ còn lại. Mình có 16 tháng ân hạn lãi suất, trước khi sang tháng thứ 17, mình đã hoàn thành trả hết nợ nên không mất phí trả trước hạn".
Doãn Việt lưu ý rằng có một số ngân hàng sẽ mua lại khoản nợ từ ngân hàng khác. Tuy nhiên, trường hợp của anh chàng không như vậy. Anh chàng cần thế chấp một tài sản khác để vay một khoản nợ mới trả cho ngân hàng đầu tiên vay mua nhà.
Thời điểm mua nhà là giữa đại dịch COVID-19. Do 3 thế hệ ở cùng 1 căn hộ trong thời gian dài, anh chàng cảm thấy bất tiện nên đã có ý định ra ở riêng. “Mình nghĩ rằng, khi đủ trưởng thành, nếu có điều kiện, ai cũng nên có không gian riêng để xây dựng cuộc sống cá nhân, hình thành lối sống, phát triển phong cách sống. Thế là mình quyết định mua nhà, ra ở riêng khi còn độc thân”.
Bên cạnh đó, Doãn Việt có một số tiêu chí khi chọn căn nhà đầu tiên này.
- Khu vực có dự án mới: Mua nhà khi dự án đang triển khai, giá thường thấp hơn khi đã hoàn thiện. Chủ đầu tư trong giai đoạn mở bán mới cũng sẽ có các chương trình ưu đãi hoặc liên kết với ngân hàng. Do vậy, việc thế chấp tài sản đó để vay vốn cũng sẽ đơn giản hơn. - Không quá xa chỗ làm hiện tại: Nhà mới không quá xa văn phòng hiện tại sẽ đảm bảo công việc của bạn không bị xáo trộn quá nhiều, duy trì được dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân hàng ở hiện tại và trong tương lai gần. - Không quá xa nhà bố mẹ, anh chị em, bạn bè: Do có nhu cầu cao trong việc kết nối, nếu ở gần người thân và bạn bè, đời sống tinh thần không bị xáo trộn. - Giao thông đi lại hợp lý, tiện lợi: Anh chàng trước đó đã ở ngoại thành nên việc di chuyển trên dưới 30 phút vào trung tâm thành phố không phải là vấn đề lớn. Anh chàng quan tâm hơn đến khả năng kết nối ra các trục đường chính, khu dân cư lân cận, chợ, bệnh viện, trung tâm thương mại,… - Giá nhà phù hợp với ngân sách cá nhân.Một số tiêu chí cá nhân khác như ở tầng cao và view thoáng, không bị chắn tầm nhìn, không nhìn sang nhà hàng xóm, không phải là hướng Tây vì không chịu được nóng.
Kinh nghiệm đầu tư nội thất nhà cửa
Doãn Việt cho rằng nên đầu tư nội thất sau khi mua nhà, bởi vì bạn sẽ sống trong nhà hàng ngày và tiếp xúc chủ yếu với nội thất. Nếu không phải phong cách bản thân thích, những món đồ phù hợp với mong muốn cá nhân,... bạn sẽ rất khó để thấy vui khi ở nhà. Bên cạnh đó, nội thất đôi khi sẽ giúp chữa các lỗi, che đi những điểm khuyết của phần thô, mang đến cho bạn một không gian sống hợp lý và thẩm mỹ hơn. Anh chàng đã chi khoảng 200 triệu, tương ứng 10% giá nhà, cho nội thất, đồ điện tử, cho tới đồ gia dụng cá nhân.
“Phong cách mình lựa chọn cho căn hộ của mình là Warm Minimalism (phong cách tối giản ấm áp). Tối giản nhưng thay vì đen trắng - tạo cảm giác lạnh lẽo thì các gam màu chủ đạo sẽ trung tính hơn, đem lại sự ấm áp cho căn hộ. Cốt lõi của tối giản là đủ - cho nên mình chỉ sắm đủ các món đồ mình cần ở thời điểm hiện tại. Không thiếu để đảm bảo chất lượng cuộc sống, mà cũng không thừa để khiến không gian chật chội, lãng phí ngân sách”.
Khi đã xác định được phong cách bạn muốn rồi, thì tốt nhất là tìm các KTS có phong cách tương tự. Mỗi KTS hay studio sẽ có thế mạnh riêng ở từng phong cách khác nhau. Đầu tiên, hãy nói chuyện, kết bạn với kiến trúc sư. Nếu 2 bên hiểu nhau, nói chuyện ăn ý thì sẽ dễ dàng trao đổi, hợp tác hơn. Và đừng quên tham quan nhà mẫu, hoặc studio nơi KTS làm việc. Bạn sẽ thấy được cách làm việc và sản phẩm của của KTS đó, có phù hợp với các tiêu chí của bạn không.
“Không nhất thiết bạn phải hoàn thiện toàn bộ nội thất căn nhà trước khi vào ở. Hãy ưu tiên các hạng mục quan trọng trước. Các món đồ nội thất rời hoặc đồ decor có thể mua dần dần, sau khi bạn đã vào ở. Như vậy sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính, cũng tránh việc vì thời gian gấp rút mà bạn đưa ra những quyết định mua sắm không phù hợp”, Doãn Việt chia sẻ.