"Van điều tiết" nào thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Admin

Theo các chuyên gia, để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là điều cần thiết, nhưng cần phải tăng cường phương pháp điều tiết giá nhiên liệu thiết yếu này.

Theo đó, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá (sửa đổi) mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá (QBOG), giúp giá xăng, dầu vận động theo cơ chế thị trường. Dự thảo Luật giá cũng đưa ra quy định về việc sau khi bỏ QBOG, nếu giá xăng, dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá các bước theo thứ tự như: Kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Tạ Anh Tuấn cho rằng, cơ quan này sẽ kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường, trong 7 giải pháp bình ổn giá xăng, dầu thì lập QBOG là một giải pháp, việc thực hiện trích lập QBOG là khi có biến động về giá...

“Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi có biến động giá mới lập quỹ thì sẽ có độ trễ, không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính xin ý kiến các bên liên quan về phương thức bình ổn giá, trong đó sẽ bỏ quy định về lập QBOG, từ đó sẽ xem xét lại QBOG xăng, dầu”, ông Tuấn chia sẻ.

Thế nhưng, trên thực tế, theo các chuyên gia, QBOG xăng dầu đang không đạt hiệu quả như mong muốn. Người dùng “ứng trước tiền vào quỹ và trả vào kỳ điều hành sau”, còn doanh nghiệp thì không được hưởng lợi từ quỹ này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), QBOG xăng dầu hiện nay của Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền để bình ổn giá cho mình, trong khi thông lệ các nước không làm như vậy.

“Với cách quản lý này nên xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch và dễ tiên liệu, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hay chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy thặng dư này để bù vào âm Quỹ. Điều này chưa phù hợp với thị trường”, ông Tuấn cho hay.

Van điều tiết nào thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu? - Ảnh 1.

Bỏ quỹ Bình ổn giá xăng, dầu sẽ giúp mặt hàng này vận hành theo cơ chế thị trường - Ảnh minh họa

Về phía Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đơn vị này cũng đã từng nhiều lần kiến nghị bỏ QBOG xăng, dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Bởi, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Thông tin với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - Bùi Ngọc Bảo cho rằng, thực tế QBOG không cần thiết khi giá xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường, do đó, Luật Giá tính tới việc bỏ quỹ này là phù hợp.

“Doanh nghiệp cũng không được lợi gì từ QBOG, nếu doanh nghiệp nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các doanh nghiệp đầu mối không hề mong muốn”, ông Bảo bày tỏ.

Thực tế cho thấy, từ góc độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước, Quỹ là công cụ kiểm soát tăng giá. Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp và người dùng, Quỹ không cần thiết bởi cả hai đối tượng này đều không được lợi. Người dùng thì “ứng tiền trước để và được trả lại khi giá biến động” theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Còn với doanh nghiệp, việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp phải bố trí thêm nhân sự trong hệ thống để theo dõi hoạt động của quỹ.

Bên cạnh những quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, nếu bỏ QBOG xăng, dầu sẽ phải tăng cường phương pháp nào để điều tiết giá nhiên liệu thiết yếu này?

Dưới góc độ chuyên gia, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - Nguyễn Bích Lâm cho rằng, theo cơ chế thị trường, biến động theo giá thế giới người ta có những giải pháp khác để bình ổn chẳng hạn như dự trữ nguồn cung nên chúng ta cũng cần phải cân nhắc có nên bỏ hay không. Và nếu bỏ để theo cơ chế thị trường thì phải có giải pháp như hỗ trợ an sinh để yên lòng dân.

Đồng quan điểm này của ông Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Tô Hoài Nam cũng cho rằng, khi một nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì việc xóa bỏ QBOG xăng, dầu là việc tất yếu. Trên thực tế, ở Việt Nam trước đây đã có nhiều ý kiến đề xuất xem xét xóa bỏ quỹ này. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành thị trường xăng, dầu của Việt Nam ở thời điểm này thì việc xóa bỏ QBOG cần phải cân nhắc kỹ. Bởi, thực tế xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu nên Nhà nước muốn quản lý xăng, dầu thì phải có công cụ để điều khiển, can thiệp trong trường hợp giá tăng sốc, hỗ trợ điều hành giá tốt hơn.

Thực tế, ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng, dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường và Nhà nước có kho dự trữ rất lớn, muốn tác động giá sẽ xả các kho này. Còn ở Việt Nam, kho dự trữ xăng, dầu quốc gia rất mỏng và vẫn gộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối.

Trước thực trạng đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, “van điều tiết” xăng, dầu hiệu quả nhất là giảm thuế, phí với mặt hàng này. Và việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ vừa đồng ý giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, được cho là một tiền đề quan trọng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý, trong quá trình giảm thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, đòi hỏi phải có quá trình đánh giá tác động đa chiều bởi nếu ban hành quy định này thì phải xác định được khả năng điều hành xăng, dầu trong nước, kiểm soát giá và chống buôn lậu xăng, dầu ra nước ngoài.