Ứng dụng CNTT trong tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý là xu thế tất yếu

Admin

Sau 12 tháng triển khai thí điểm, sáng kiến đã xây dựng được mạng lưới truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng kỹ thuật số.

Đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng

Phát biểu kết luận Hội thảo tổng kết dự án “Chuyển đổi số trong truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý về y tế, giáo dục, việc làm thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công cho người lao động phi chính thức, đặc biệt người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao nhiễm HIV và phụ nữ, trẻ em là người thân của họ, thí điểm tại 05 huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An” ngày 15/5, ông Trần Đức Long – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xem là một trong những thế mạnh của Hội Luật gia Việt Nam, được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo.

Trong thời gian vừa qua đã gặt hái được những thành quả rất tích cực, giai đoạn 2012-2017 và 2018-2023 với 2 Đề án xã hội hóa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024-2030” càng là một minh chứng rõ ràng cho sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác này.

"Về phía lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, chúng tôi luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các cấp Hội và các đơn vị trực thuộc phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật tới các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước", ông Trần Đức Long nhấn mạnh. 

Tiêu điểm - Ứng dụng CNTT trong tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý là xu thế tất yếu

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long phát biểu kết luận Hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia cũng bày tỏ sự vui mừng khi vừa qua đã có 2 Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã được các nhà tài trợ đồng thuận, phê duyệt và giao thực hiện dự án, đó là Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS.

Về dự án Chuyển đổi số trong truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý về y tế, giáo dục, việc làm thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công cho người lao động phi chính thức... Ông Trần Đức Long khẳng định đây là một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống xã hội ở Việt Nam, được Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ.

Sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm về việc nhận được tài trợ thực hiện dự án của quỹ JIFF, Ban Thường trực Trung ương Hội đã có những chỉ đạo trực tiếp, sát sao, yêu cầu Trung tâm triển khai các hoạt động của dự án theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Ban Thư ký Quỹ JIFF với tinh thần bám sát đối tượng thực hiện của dự án và triển khai có hiệu quả thực chất, đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng.

Nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật

Hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Tỉ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến.

"Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý trở thành xu thế và giải pháp tất yếu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nói chung và đối tượng yếu thế cụ thể nói riêng", ông Trần Đức Long nói.

Đồng thời, cho biết từ thực tiễn đó, Ban Thường trực Trung ương Hội đã chỉ đạo Trung tâm tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS nghiên cứu và thực hiện sáng kiến: “Chuyển đổi số trong truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý về y tế, giáo dục, việc làm, thực hiện các thủ tục hành chính trên Dịch vụ công cho người lao động phi chính thức, đặc biệt là người có HIV/AIDS và người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và phụ nữ, trẻ em là người thân của họ, thí điểm tại 05 xã thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bao gồm thị trấn Kim Sơn, xã Châu Kim, xã Mường Nọc, xã Quang Phong và xã Tiền Phong”.

Sáng kiến đã hướng tới đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng và thực hiện mô hình truyền thông, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý với trọng tâm thông qua chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và mạng xã hội để nâng cao khả năng tiếp cận quyền cho nhóm người lao động phi chính thức.

Theo ông Trần Đức Long, việc triển khai thực hiện dự án tại một huyện nghèo như huyện Quế Phong là một thách thức rất lớn. Do nơi đây đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 90%, là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các phương pháp truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý truyền thống sẽ rất khó để tiếp cận đầy đủ nhóm lao động này vì cách trở về địa lý, đường xá đi lại khó khăn.

Tuy nhiên, với tinh thần không ngại khó khăn, cống hiến vì người dân và vì cộng đồng, sau 12 tháng triển khai thí điểm, sáng kiến đã xây dựng được mạng lưới truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng kỹ thuật số.

Tiêu điểm - Ứng dụng CNTT trong tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý là xu thế tất yếu (Hình 2).

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý trở thành xu thế và giải pháp tất yếu.

Qua đó, hoàn thành các chỉ tiêu đã cam kết với Quỹ Thúc đẩy các sáng kiến tư pháp EU-JULE JIFF về truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Ghi nhận những kết quả đạt được của dự án, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam mong muốn Quỹ JIFF nói riêng và các tổ chức thuộc chương trình EU- JULE nghiên cứu, tiếp tục triển khai thực hiện dự án có ý nghĩa này trong thời gian tới.

"Nếu dự án được triển khai thực hiện lâu dài thì tôi nghĩ nó sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng, cho xã hội. Đặc biệt, giúp các đối tượng đặc thù này nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật và làm giảm thiểu nguy cơ lây lan cho cộng đồng", ông Trần Đức Long cho hay. 

Thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam gửi lời cảm ơn Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Nghệ An, Ban thư ký Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp, UBND huyện Quế Phong, các đơn vị thụ hưởng dự án, các chuyên gia và người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động của sáng kiến đã tạo điều kiện, phối hợp thực hiện dự án.

Đồng thời, ông cũng đánh giá cao sáng kiến, sự nỗ lực của cán bộ, lãnh đạo Trung tâm tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS và các luật gia, luật sư đã tham gia làm Báo cáo viên và trực tiếp tư vấn pháp luật trong suốt quá trình thực hiện dự án bằng tấm lòng, sự sẻ chia, nỗ lực, cống hiến vì dân, vì cộng đồng.

"Tôi mong rằng các đồng chí tiếp tục mang tâm huyết đó để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào công cuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội cũng như góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay", ông Trần Đức Long bày tỏ.