Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đánh tiếng IPO Vinpearl và Xanh SM cùng làn sóng Hoa Sen, Thế giới Di động, Bamboo Capital… “nổ máy” đưa “con cưng” lên sàn

Admin

Vingroup đang gấp rút chuẩn bị các thủ tục để đưa Vinpearl niêm yết lên sàn vào cuối năm nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây chú ý khi “đánh tiếng” kế hoạch IPO Vinpearl và Xanh SM.

Trong đó, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chia sẻ Công ty đang gấp rút chuẩn bị các thủ tục, kỳ vọng cuối năm 2024 sẽ đưa Vinpearl niêm yết lên sàn.

Vinpearl là thương hiệu dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí đã rất quen thuộc tại Việt Nam. Vinpearl sở hữu chuỗi thương hiệu khách sạn, resort, spa cùng trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf và các khu vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo giới thiệu, hệ thống đang có 45 cơ sở thuộc thương hiệu Vinpearl tại 17 tỉnh, thành phố với công suất phòng trên 18.500 phòng khách sạn và biệt thự, 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf, dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô trên Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới.

Về kinh doanh, năm 2023 Vinpearl ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 670 tỷ đồng, tương đương bình quân 1,83 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là năm có lãi thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp này sau giai đoạn lỗ nặng vì tác động của đại dịch. Tuy nhiên, lợi nhuận năm ngoái của Vinpearl giảm hơn 80% so với năm 2022.

Đến hết 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Vinpearl tăng khoảng 57% so với cuối năm 2022 lên hơn 13.316 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty còn gần 30.760 tỷ đồng, giảm hơn 35%. Trong đó, dư nợ trái phiếu của công ty giảm gần 21%, xuống còn khoảng 12.500 tỷ đồng.

Năm 2024, Vinpearl kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh, đặc biệt từ tệp khách quốc tế, và đặt mục tiêu tăng trưởng vượt bậc so với năm 2023, thông qua việc đầy mạnh khai thác nguồn khách, các kênh bán hàng và dưa ra các chiến lược marketing mới.

Cuối năm 2023, Vingroup công bố thông tin HĐQT đã phê duyệt về việc tách Vinpearl công ty con của Tập đoàn Vingroup và thành lập một công ty con mới trên cơ sở tách doanh nghiệp. Công ty mới dự kiến thành lập là CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt, vốn điều lệ dự kiến gần 20.420 tỷ đồng (trong đó Vingroup nắm trên 99,96% vốn điều lệ).

Công ty mới thành lập có trụ sở chính đặt tại toà văn phòng Symphony, đường Chu Huy Mân, Khu đô thị Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.

Ngoài việc niêm yết Vinpearl, cổ đông còn muốn biết lộ trình niêm yết Xanh GSM. Theo ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ thông tin, sẽ niêm yết Xanh SM trên thị trường quốc tế.

Được biết, Xanh GSM là Công ty cho thuê ôtô, xe máy điện và cung cấp dịch vụ taxi điện được ông Phạm Nhật Vượng thành lập tháng 3 năm ngoái. Mối quan hệ với Vingroup được giới thiệu là ‘cùng chủ sở hữu’.

Năm 2023, mảng sản xuất đóng góp hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu cho Vingroup, hơn gấp đôi mức hơn 13.000 tỷ của năm trước. Với doanh số bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 20.000 tỷ đồng, GSM đóng góp khoảng 70% trong con số này.

Trước Vingroup, nhiều doanh nghiệp lớn cũng lên kế hoạch IPO công ty con trong năm 2024.

Đáng chú ý là thương vụ Bách Hoá Xanh của đại gia Nguyễn Đức Tài. Ngày 9/4, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) thông báo đã bán thành công 5% vốn tại CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách hoá Xanh - đơn vị sở hữu chuỗi Bách Hoá Xanh - cho nhà đầu tư nước Trung Quốc là Quỹ đầu tư CDH Investments.

Tỷ lệ bán 5% - thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch ban đầu của MWG là dự kiến chào bán 20%. Giá bán không được tiết lộ. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được MWG dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh nói chung của Bách Hoá Xanh.

Kế hoạch IPO được MWG lần đầu đề cập vào năm 2022, và gây chú ý khi "lộ" tin định giá Bách Hoá Xanh từ quỹ ngoại lên đến 1,7 tỷ USD (theo nguồn tin từ Reuters hồi tháng 2/2024).

Trước thềm IPO, tháng 12/2023 Bách Hoá Xanh tiếp tục gây bất ngờ khi tuyên bố đã đạt mục tiêu hòa vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại, và trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi (không bao gồm (i) các chi phí phát sinh 1 lần đã hạch toán hết trong quý 4 và (i) một phần chi phí khấu hao liên quan đến nâng hạ diện tích cửa hàng do tái cấu trúc sẽ giảm dần theo thời gian, BHX tự tin sẽ bù đắp được phần này để có lợi nhuận ròng cả năm 2024).

Hay tại ĐHĐCĐ mới đây, Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) đã thông qua cổ đông phương án tăng vốn điều lệ cho Bảo hiểm AAA và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Được biết, hồi cuối năm ngoái, BCG đã IPO thành công BCG Land. Quá trình IPO BCG Land bắt đầu từ giữa năm 2022, tuy nhiên thị trường bất động sản và kinh tế Việt Nam thời gian trải qua nhiều biến động đã khiến tiến độ IPO kéo dài hơn so với kế hoạch.

BCG Land là công ty trụ cột mảng bất động sản của BCG. Khi mới thành lập vào năm 2018, BCG Land có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ BCG Land hiện tại là 4.600 tỷ đồng. Ngay sau khi lên sàn, BCG tếp tục muốn tăng vốn cho BCG Land theo 2 hình thức: (i) Chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và (ii) chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị chào bán dự kiến là 4.000 tỷ đồng. Nếu quá trình tăng vốn này diễn ra thành công, vốn điều lệ của BCG Land sẽ tăng gần gấp đôi so với hiện tại, đạt khoảng 8.600 tỷ đồng.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) cũng đã trình kế hoạch IPO Nhựa Hoa Sen và Ống thép Hoa Sen tại Đại hội diễn ra hôm 18/3/2024.

Được biết, Hoa Sen đã và đang sắp xếp lại hoạt động kinh doanh. Cụ thể, sau khi mảng phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Hom và mảng ống nhựa do CTCP Nhựa Hoa Sen đảm nhiệm kinh doanh ổn định, Tập đoàn dự chuyển giao toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh ống thép cho Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen trong vòng 5 năm tới.

Trong đó, CTCP Ống thép Hoa Sen sẽ được xem xét thành lập dựa trên việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 99% vốn điều lệ. Sau quá trình chuyển đổi, CTCP Ống thép Hoa Sen sẽ trở thành đơn vị chủ lực trong sản xuất kinh doanh ống thép.

Hay CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) cũng đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán TAL, giá tham chiếu 21.000 đồng/cp. Taseco Land hiện là chủ đầu tư dự án khách sạn và căn hộ cao cấp À La Carte Halong Bay, dự án khu nhà ở Riverview Lương Sơn – Hòa Bình, dự án Tòa nhà N01-T6 Khu ngoại giao đoàn, dự án Số 4 Khu đô thị trung tâm thành phố Thanh Hóa…

2024 UBCKNN sẽ rút ngắn thời gian từ khi IPO đến niêm yết

IPO (Initial Public Offering), có nghĩa là phát hành lần đầu ra công chúng. Thuật ngữ này được dùng để chỉ hoạt động lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán của một công ty với mục đích để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Công ty sau khi IPO sẽ được gọi là một công ty đại chúng.

Bên cạnh chức năng huy động vốn, IPO còn cung cấp thanh khoản cho những cổ đông sáng lập, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các giao dịch sáp nhập và mua lại (M&A), tăng tính minh bạch thông qua các hoạt động công bố thông tin.

Đồng thời, hoạt động này còn khẳng định nguồn lực và vị thế của doanh nghiệp trước công chúng, giúp đẩy mạnh trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Năm qua, theo chia sẻ của ông Chad Ovel – Giám đốc Mekong Capital – thì Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia

"2023 là một năm khó khăn đối với Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự suy giảm về xuất khẩu trong thời gian dài, từ đó gây ảnh hưởng dây chuyền đến loạt ngành nghề liên quan khác.

Chưa kể, năm qua thị trường bất động sản cũng có nhiều biến động, chính sách còn nhiều vướng mắc. Ở thị trường tài chính, trong năm qua cũng chỉ có 3 thương vụ IPO diễn ra tại Việt Nam với giá trị rất thấp, con số này rất nhỏ khi so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia. Tốc độ phê duyệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước một phần cũng tác động đến toàn thị trường", ông nói.

Sang năm 2024, nhiều chính sách mới đang hỗ trợ thị trường hồi phục. Riêng việc niêm yết, tại lễ đánh cồng khai Xuân 2024, UBCKNN nhấn mạnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết được huy động vốn qua thị trường chứng khoán, gắn IPO với niêm yết, rút ngắn thời gian phát hành IPO với thời gian được niêm yết trên thị trường chứng khoán và chủ động công bố thông tin một đầu mối.

“Đây là giải pháp UBCKNN cùng Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán và các sở giao dịch đang triển khai và quyết tâm ngay đầu năm 2024 các doanh nghiệp niêm yết sẽ không cần công bố thông tin cho nhiều đầu mối như trước”, bà Vũ Thị Chân Phương cho hay.