Từng ở trọ phòng 20m2, tủi thân vì nghĩ gia đình không có điều kiện, GenZ quyết tâm “phải để dành tiền” và hiện tại mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 20 triệu

Admin

Cô bạn này luôn cố gắng tiết kiệm 50% tổng thu nhập.

Tích cóp tiền nong, xây dựng kế hoạch tài chính lâu dài là bài toán khó với nhiều bạn trẻ. Song có người thấy tiết kiệm không khó vì họ hiểu giá trị của đồng tiền và lợi thế khi có khoản phòng thân trong người.

Mỹ Duyên (SN 1997, đang sinh sống ở TP.HCM) luôn cố gắng tiết kiệm được 50% trên tổng thu nhập hàng tháng. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ không quá giàu có về mặt tài chính, Mỹ Duyên sớm chủ động học cách tự lập và quản lý chi tiêu. Hiện, cô bạn đang làm freelancer trong mảng chăm sóc, tư vấn và sales các sản phẩm du lịch.

“Mình chưa bao giờ gặp khủng hoảng tài chính vì ngay từ ban đầu, mình tự nhận thức được bản thân phải tiết kiệm và làm việc chăm chỉ. Thường khi bạn làm ra tiền cực khổ thì lúc tiêu tiền cũng sẽ đắn đo suy nghĩ", Duyên kể.

Từng ở trọ phòng 20m2, tủi thân vì nghĩ gia đình không có điều kiện, GenZ quyết tâm “phải để dành tiền” và hiện tại mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 20 triệu- Ảnh 1.

Mỹ Duyên (Ảnh: NVCC)

Mình bắt đầu quan tâm tiết kiệm từ bao giờ?

Duyên sinh ra trong gia đình không giàu có, bố mẹ kiếm thu nhập chỉ “ở mức đủ sống". Khi Duyên đi học Đại học, bố mẹ còn phải lo cho hai em đang tuổi đến trường. Do đó, từ năm 18 tuổi, Duyên đã ý thức được phải tiết kiệm và tự kiếm tiền để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt ở thành phố.

Trước khi đến với công việc hiện tại, từ thời sinh viên, Duyên đã thử làm nhiều công việc part-time từ nhân viên phục vụ trong quán cafe, tiệc cưới và chạy bàn cho quán nhậu cho đến nhận viết content, quản lý data,... cho các công ty nhỏ.

Cô bạn nhớ lại: “Mình đã từng là sinh viên ở trọ 4 đứa trong 1 căn phòng 20m2, từng phải đi xe bus 2 tiếng từ Gò Vấp sang Quận 7 để tiết kiệm tiền xe, từng ăn bánh mì chấm sữa vài ngày liền. Mình từng làm thêm ở quán cafe chỉ để kiếm 13 ngàn/1 giờ, từng làm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới và đứng trên giày cao gót 2 tiếng đổi lại 100 ngàn. Mình từng khóc và trầm cảm vì nghĩ rằng bản thân không tài giỏi, từng ganh tị với bạn bè vì gia đình họ có điều kiện hơn mình.

Và giờ mình nghĩ rằng, bước đầu của  tự chủ tài chính chính là bạn phải tự lập, không dựa dẫm vào người khác, chăm chỉ không ngại vất vả, cố gắng đạt được mục tiêu đề ra. Tất nhiên là cần có thêm một chút may mắn nữa”.

Ngoài thói quen tiết kiệm được hình thành từ sớm, một nhân tố khác khiến cô càng quan tâm đến quản lý tài chính là vào thời điểm Covid-19. Khi đó, mảng du lịch Duyên đang làm chịu ảnh hưởng nên thu nhập gần như là con số 0.

“Nhưng may mắn là vì mình có khoản tiết kiệm từ trước nên cuộc sống không mấy khó khăn. Thời gian này mình tập trung phát triển bản thân bằng cách tập thể dục và học thêm ngôn ngữ. May mắn là sau Covid, mọi thứ phát triển lại nhanh chóng nên mình cũng theo đó mà trở lại công việc vốn có.

Tuy nhiên, lần trở lại này mình đã học cách tiết kiệm thông minh hơn, chi tiêu đúng mức và mua sắm có mục đích. Ngoài ra, mình còn tập chia đều ‘trứng’ vào các giỏ đầu tư khác nhau, như đầu tư thêm vào bất động sản và chứng khoán để phòng tránh rủi ro sau này”, Duyên nói thêm.

Từng ở trọ phòng 20m2, tủi thân vì nghĩ gia đình không có điều kiện, GenZ quyết tâm “phải để dành tiền” và hiện tại mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 20 triệu- Ảnh 2.

Duyên quan tâm đến quản lý tài chính và chi tiêu tiết kiệm từ sớm (Ảnh: NVCC)

Luôn cố gắng tiết kiệm 50% thu nhập

50% thu nhập là mức tiết kiệm mà Mỹ Duyên luôn cố gắng duy trì cho đến thời điểm hiện tại. Cô bạn chia sẻ bí quyết: “Mình thường để dành 50% thu nhập vào sổ tiết kiệm, chi 30% cho sinh hoạt cần thiết, 20% để dành cho sở thích cá nhân. Về chi tiêu cho sở thích, mình khá chú trọng vào các sở thích mang tính xây dựng cá nhân, nhất là du lịch đến các vùng đất mới. Điều này không chỉ giúp mình tăng vốn kiến thức, làm giàu trải nghiệm mà còn quen biết nhiều người mới, mở ra cơ hội đầu tư.

Vì công việc của mình là làm tự do nên thu nhập cũng bấp bênh lắm. Tháng nào chăm chỉ thì có thể ở mức 50-80 triệu, nhưng cũng có những tháng kiếm 30-40 triệu thôi. Tháng nào thu nhập kém hơn thì mình sẽ cắt phần chi tiêu cho sở thích xuống để đảm bảo tiết kiệm ít nhất 20 - 40 triệu/tháng trở lên, đồng thời tháng sau sẽ phải cố gắng nhiều hơn để bù lại”.

Giữa hai lựa chọn sống tiết kiệm hay chăm chỉ làm việc để gia tăng thu nhập, Mỹ Duyên nghĩ cần có sự cân bằng giữa chúng. Cô bạn bày tỏ: “Thay vì sống ‘tiết kiệm tối đa’ thì mình chọn làm việc chăm chỉ để tăng thêm thu nhập. Như vậy mình sẽ có nhiều sự lựa chọn trong chi tiêu, cũng như để dành khoản tiết kiệm hoặc đầu tư dễ dàng hơn nhiều. Mình thích cân bằng giữa ‘ta chỉ sống một lần trong đời’ và ‘hãy tiết kiệm khi còn trẻ’ để không chỉ có khoản tiết kiệm an toàn, mà bản thân cũng được trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống”.

Từng ở trọ phòng 20m2, tủi thân vì nghĩ gia đình không có điều kiện, GenZ quyết tâm “phải để dành tiền” và hiện tại mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 20 triệu- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Từng trải qua quãng thời gian khó khăn về tài chính và sau này rút ra được nhiều bài học tiết kiệm cho bản thân, Mỹ Duyên gửi quan điểm đến nhiều bạn trẻ đang muốn học hỏi về quản lý tài chính: “Các bạn trẻ bây giờ thường chạy theo xu hướng và không quan tâm đến việc trong túi mình có bao nhiêu tiền, họ thường chi trước rồi mới tính sau. Mình nghĩ, việc quan trọng nhất trong quá trình quản lý tài chính đó là bạn biết được bạn là ai, đang ở đâu trong xã hội và không chạy theo những thứ vượt quá tầm với thì bạn sẽ biết cách chi tiêu đúng mức.

Ngoài ra, sống không phải để tiết kiệm từng đồng, mà tận hưởng cuộc sống mới là điều đáng giá. Vì vậy thay vì cố gắng ‘tiết kiệm tối đa’, thì hãy tập trung phát triển bản thân từ bên trong, xây dựng kiến thức nền vững chắc, chăm chỉ làm việc để tăng thu nhập”.