Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN) dự kiến tăng sở hữu tại Sanofi Việt Nam lên 30%

Admin

Theo thỏa thuận đã ký giữa các cổ đông SVN, một trong những điều kiện tiên quyết để Tổng công ty được nâng tỷ lệ sở hữu tại SVN từ 15% lên 30% là sau khi đã hoàn thành việc giải thể Công ty CP Dược phẩm Sanofi - Synthelabo Việt Nam (SSV)

Sáng ngày 23/4, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm, mã chứng khoán DVN, UPCoM) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024 sau gần một năm quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vinapharm được chuyển giao từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

KẾ HOẠCH 476 TỶ ĐỒNG LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh do Bà Hàn Thị Khánh Vinh – thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinapharm báo cáo tại Đại hội, tổng doanh thu theo báo cáo tài chính tổng hợp của Vinapharm năm 2023 đạt 307,5 tỷ đồng, đạt 111,1% kế hoạch đề ra năm 2023 và tăng 75,6% so với thực hiện của năm 2022. Lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính tổng hợp năm 2023 đạt 222,8 tỷ đồng, bằng 105,2% kế hoạch và tăng 707,8% so với cùng kì năm trước.

Tổng doanh thu theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Vinapharm đạt 5.868,2 tỷ đồng, bằng 103,5% so với thực hiện năm 2022 và đạt 99,2% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 425,0 tỷ đồng, tăng 222,2% so với thực hiện năm 2022 và đạt 127,1% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch do lợi nhuận trước thuế tổng hợp của Vinapharm tăng 195,2 tỷ đồng, tương ứng tăng 707,8% so với cùng kỳ.

photo-1713855471935

Bà Hàn Thị Khánh Vinh – thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc trình bày Báo cáo KQKD năm 2023 và KH năm 2024

Trên cơ sở các thông tin ngành dược phẩm thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ cũng như một số xu hướng của ngành dược năm 2024, báo cáo kế hoạch của các công ty có vốn đầu tư của Vinapharm, Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh tổng hợp năm 2024 dự kiến là 290,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến là 223,5 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2024 của Vinapharm dự kiến là 5.955,2 tỷ đồng doanh thu và 475,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 101,5% và 112,0% thực hiện năm 2023. 

THÔNG QUA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU

Đại hội đã thông qua Đề án tái cơ cấu Vinapharm với những định hướng lớn bao gồm triển khai xây dựng Hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp để nâng cao năng lực phân phối của Tổng công ty và các công ty con; Tăng vốn điều lệ tại các công ty con và tăng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thành viên có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức cao, định hướng phát triển bền vững; Tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp ngành dược ngoài danh mục các đơn vị thành viên hiện tại để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và tận dụng các cơ hội đầu tư tốt trên thị trường; Nhận chuyển nhượng các sản phẩm có thương hiệu/giá trị từ các tập đoàn đa quốc gia để gia công, sản xuất tại Việt Nam; Tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước để triển khai xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm/dược sinh học tại Việt Nam.

photo-1713855598850

Đoàn chủ tọa điều hành Đại hội

 Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của Vinapharm, tạo sự chủ động cho HĐQT trong công tác kiểm soát nhằm đem lại hiệu quả trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, Đại hội đã thông qua việc thay đổi mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của Vinapharm theo mô hình Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc. Trong đó ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ủy ban Kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị.

Đây là mô hình được quy định tại Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ tốt trong quản trị công ty tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý với mô hình Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT không những đáp ứng được yêu cầu của pháp luật mà còn xây dựng được hệ thống quản trị tiên tiến, phù hợp thông lệ quốc tế, hạn chế sự trùng lặp về cơ cấu tổ chức kiểm soát tại Vinapharm.

Cùng với việc thay đổi mô hình tổ chức và hoạt động, Đại hội đã thống nhất số lượng thành viên HĐQT bao gồm cả thành viên độc lập cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 05 thành viên. Theo đó, Đại hội đã bầu Ông Đỗ Mạnh Cường là thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026.

photo-1713855637536

Hội đồng quản trị Vinapharm nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

THẢO LUẬN: CÂN NHẮC THỜI ĐIỂM NIÊM YẾT CỔ PHIẾU

Vinapharm có định hướng chiến lược gì để trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thuốc tại Việt Nam?

Bà Hàn Thị Khánh Vinh: Triển khai thực hiện Quyết định 376/QĐ – TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, Vinapharm sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực và vị thế của một Tổng công ty Dược duy nhất có vốn góp chi phối của Doanh nghiệp nhà nước cũng như sẽ triển khai một số chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển ngành dược Việt Nam và thế giới với mục tiêu Vinapharm phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho các cổ đông và góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Vinapharm là một trong những doanh nghiệp dược lớn của Việt Nam, trong khi nhiều doanh nghiệp như Trapharco, Dược Hậu Giang… đang niêm yết trên sàn giao dịch HCM – HOSE thì cổ phiếu DVN vẫn đang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Năm 2023 Vinapharm đã có ý kiến sẽ cân nhắc xây dựng kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thời điểm thích hợp và xin ý kiến ĐHĐCĐ phê duyệt. Vậy Vinapharm đã có triển khai gì chưa và kế hoạch tiếp theo như thế nào?

Bà Hàn Thị Khánh Vinh: Ban lãnh đạo của Tổng công ty luôn nhận thức được vai trò và vị thế của Vinapharm đối với ngành dược Việt Nam và việc đưa cổ phần của Vinapharm lên niêm yết tại sàn giao dịch có tiêu chuẩn cao như sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) luôn được tính đến.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, Vinapharm đang sở hữu khoản đầu tư vốn tại 3 công ty con và 7 công ty liên kết, các đơn vị này sử dụng hệ thống phần mềm kế toán, đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán khác nhau tạo ra một số vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của Vinapharm. Vinapharm và các đơn vị thành viên, liên kết đang hoàn thiện việc xây dựng hệ thống phần mềm kế toán, đơn vị kiểm toán thống nhất nhằm giải quyết vướng mắc này; đáp ứng tiêu chuẩn về công bố thông tin, báo cáo tài chính để hướng tới niêm yết trên các sàn giao dịch HOSE và HNX.

Trên sàn giao dịch UPCoM cũng có rất nhiều cổ phiếu tốt, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành tương tự cổ phiếu DVN, ví dụ như ACV của Cảng Hàng không VN, VGI của Viettel, MCH của MaSan và SGP của Cảng Sài Gòn,… Các cổ phiếu này, cũng như DVN đều được giao dịch với khối lượng, thanh khoản tốt không kém những cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn.

Vinapharm và các công ty con đã làm việc với đơn vị tư vấn để trao đổi và thống nhất việc chuyển đổi phần mềm ERP, hiện đã được triển khai tại Công ty CPC1 – một trong ba công ty con của Vinapharm. Việc chuyển đổi phần mềm ERP tại Vinapharm và các công ty con là bước đầu cho kế hoạch niêm yết và chuyển sàn giao dịch.

Trong thời gian tới, Vinapharm sẽ cân nhắc xây dựng kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thời điểm thích hợp và xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

Một trong những khoản đầu tư được chia lợi nhuận lớn của Vinapharm đến từ Sanofi. Kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Sanofi Việt Nam (SVN) lên 30% của Vinapharm ra sao?

Theo thỏa thuận đã ký giữa các cổ đông SVN, một trong những điều kiện tiên quyết để Tổng công ty được nâng tỷ lệ sở hữu tại SVN từ 15% lên 30% là sau khi đã hoàn thành việc giải thể Công ty CP Dược phẩm Sanofi - Synthelabo Việt Nam (SSV). Hiện nay Ban điều hành Vinapharm và Sanofi đang trao đổi, đàm phán để có thể rút ngắn thời gian, sớm hiện thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu của Vinapharm tại SVN lên 30% tại thời điểm phù hợp, tuân thủ các quy định, cam kết và thống nhất của các bên.