Bối cảnh: Coolmate gặp phải biến cố khi dùng mô hình sản xuất cũ áp vào quy mô lớn, các sản phẩm liên tục bị lỗi, lượng phàn nàn, và hàng trả về tăng lên. Nhiều khách hàng bỏ đi, kéo theo doanh số không tăng trưởng như kỳ vọng, có tháng lỗ.
Kế hoạch: Mời Giám đốc sản xuất mới vào Coolmate, chấp nhận đứt tháng trong các tháng 8 – 9 – 10/2023, thay lãnh đạo team phát triển sản phẩm và sản xuất, ngừng làm việc với một số nhà cung cấp và nhân viên.
Kết quả: Tăng trưởng doanh số 30% so với năm trước đó, có được nền tảng về năng lực sản xuất mới, bài bản và chuyên nghiệp hơn
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Khi nhân sự ở Coolmate vượt quá con số 100, bản thân Nhu đã cảm thấy có điều gì đó không ổn", Cofounder kiêm CEO Coolmate Phạm Chí Nhu biên tâm thư hồi tháng trước.
60 ngày trả hàng miễn phí nhưng sản phẩm liên tục lỗi, khách trả hàng ngày một tăng
"… Năng lực của một số vị trí quản lý còn yếu, công ty có quá nhiều dự án nhưng không có dự án nào đột phá, mở rộng sản phẩm cũng thiếu trọng tâm, quản lý chuỗi sản xuất và cung ứng gặp nhiều vấn đề,... đã đặt Coolmate vào rất nhiều tình huống căng thẳng", Nhu cho biết.
Vấn đề bắt đầu phát sinh từ quý II/2023. Các sản phẩm trọng tâm của Coolmate liên tục bị lỗi, lượng phàn nàn, và hàng trả về của Coolmate tăng lên.
"Đấy là bài học tương đối đắt giá, rất nhiều khách hàng bỏ Coolmate", Nhu tâm sự trong buổi livestream của Coolmate mới đây.
Bên cạnh đó, các sản phẩm mới không mang lại kết quả nhiều, các dự án lớn cũng không thể hiện được vai trò của mình, thậm chí đôi khi còn là gánh nặng. Các mâu thuẫn nội bộ phát sinh nhiều hơn, tỉ lệ nhân viên rời Coolmate tăng lên.
Từ quý 2/2023, doanh số Coolmate không còn tăng trưởng đúng như kỳ vọng, lợi nhuận ở mức rất thấp, có những tháng bị lỗ.
"Thực sự đó là giai đoạn bản thân Nhu cảm thấy mông lung cho con đường đi tiếp theo của Coolmate. Nếu tiếp tục như vậy thì thực sự không ổn, nhưng đi tiếp thì bản thân mình cũng không biết nên như thế nào. Nhu nhận ra vấn đề cốt lõi nằm ở câu chuyện làm sản phẩm của Coolmate".
"Bài toán về làm sản phẩm và sản xuất của ngành may mặc ở quy mô lớn khó hơn Nhu tưởng tượng rất nhiều, và bản thân Nhu và đội ngũ hiện tại đang chưa đủ năng lực thực thi điều đó. Coolmate cần phải có 'làn gió mới'", Nhu chia sẻ.
Đưa Giám đốc sản xuất mới vào, thay lead team lẫn đối tác sản xuất, chấp nhận đứt hàng 3 tháng
Vào TPHCM tìm một người chị từng là quản lý sản xuất cho các nhãn hàng lớn trên thế giới, Nhu ngỏ lời mời chị về làm tư vấn thì bất ngờ được nhận lời. Và Coolmate đã lột xác.
Sau 1 tháng gia nhập công ty, tân Giám đốc sản xuất gọi cho CEO và thông báo: "Chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề, chúng ta cần có sự THAY ĐỔI LỚN, và em cần phải là người quyết định".
"Bây giờ có hai phương án, một là em cho chị ngừng sản xuất số mã hàng ngay lập tức, ngừng làm việc với một số nhà cung cấp, và cả ngừng làm với một số bạn nhân viên, em sẽ bị đứt hàng bán trong một thời gian (khoảng ba tháng), còn nếu không thì các vấn đề gặp phải sẽ tiếp tục và không có cách xử lý nào cả, và chị ở đây cũng không có giá trị gì cả".
"Tôi không phải suy nghĩ nhiều điều này, đã đồng ý với chị", Nhu nhớ lại.
"Các tháng 8 – 9 – 10/2023, mọi người sẽ thấy rất nhiều sản phẩm hết hàng, kể cả là các sản phẩm bán truyền thống, và doanh số Coolmate bị giảm thê thảm trong giai đoạn này. Nhưng mình thích cái câu nói của chị, một người xuất phát điểm làm QC (kiểm soát chất lượng – PV) trong ngành may mặc hơn 20 năm trước, khi chị còn ở đây thì "Quality is not Negotiable" (tạm hiểu: Chất lượng thì không thể thỏa hiệp)".
Thời điểm đó, người lãnh đạo team phát triển sản phẩm và sản xuất cũng thay đổi, Coolmate cũng thay đổi cả đội ngũ sản xuất, đối tác, quy trình… Đó gần như là cuộc chuyển mình rất lớn. Coolmate nhận ra rằng câu chuyện mô hình sản xuất như cũ ở quy mô lớn gặp phải khá nhiều vấn đề.
Khi có "làn gió mới", người Coolmate được học cách "người chuyên nghiệp" làm sản phẩm ra sao, được tiếp xúc với những nhà máy, những đối tác ở quy mô và trình độ quốc tế là như thế nào, và Coolmate có những người mới tham gia vào đội ngũ - những người giỏi hơn rất nhiều.
Kết quả: Mặc dù không đạt được mục tiêu doanh số năm như dự kiến, nhưng Coolmate đã đạt được 90% KPIs đặt ra, đạt 363 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với năm ngoái. Điều quan trọng là Coolmate có được một nền tảng về năng lực sản xuất mới, bài bản và chuyên nghiệp hơn, điều mà Coolmate chưa từng có trước đây.
"Điều này cũng như câu chuyện xây nền móng và bộ khung cho ngôi nhà, tụi mình đã có được nó", CEO Coolmate nói.
Coolmate ra đời năm 2019 bởi 3 đồng sáng lập Phạm Chí Nhu, Nguyễn Hoài Xuân Lan và Nguyễn Văn Hiệp. Sau 5 năm phát triển, hiện Coolmate có 147 nhân sự. Cuối năm 2023, công ty đạt doanh số 363 tỷ đồng, đặt mục tiêu trở thành "kỳ lân" năm 2030.