Tín hiệu tích cực từ ngành dệt may những tháng đầu năm

Admin

Với sự linh hoạt trong việc kết nối, tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may, quý 1 năm 2024, ngành may Thanh Hóa ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các đơn hàng xuất khẩu.

Những tháng đầu năm 2024, Công ty Sakurai Việt Nam tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa đã có thêm nhiều khách hàng mới từ các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… Hiện, sản phẩm may mặc của công ty đã xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia trên thế giới. Trong quý 1/2024, công ty sản xuất được gần 19 triệu sản phẩm.

“Thời gian qua, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn và không có cách nào khác là doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững. Hiện công ty chúng tôi đã có đơn hàng đảm bảo cho 12.000 công nhân sản xuất đến hết năm 2024, chúng tôi còn mở rộng và đưa vào hoạt động thêm nhà máy tại KCN Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa để đảm bảo các đơn hàng cho các đối tác”, ông Kimura Masanori, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty Sakurai Việt Nam cho biết.

Tín hiệu tích cực từ ngành dệt may những tháng đầu năm- Ảnh 1.

Tín hiệu tích cực từ ngành dệt may những tháng đầu năm (Ảnh minh họa: KT)

Nếu như trước đây, Công ty TNHH may Vạn Lợi, huyện Nông Cống chỉ chuyên sản xuất hàng Âu, Mỹ thì những tháng đầu năm 2024 này, 100% hàng hóa của công ty đều được xuất khẩu đi Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH May XNK Vạn Lợi, tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện, mỗi ngày hơn 700 công nhân của công ty sản xuất được hơn 8.400 sản phẩm quần áo sơ mi và vest.

“Mỗi khách hàng có yêu cầu khác nhau, khách hàng Nhật thì lưu trình một sản phẩm thông qua kiểm trên chuyền, kiểm 1, kiểm 2 của nhà máy, rồi qua kiểm 4 của đối tác, như vậy 1 sản phẩm bên mình qua 4 công đoạn kiểm tra và 100% các sản phẩm đều phải kiểm tra hết”, ông Nguyễn Văn Nam nói.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, lũy kế xuất khẩu quý 1 năm 2024 ước đạt 1.575,5 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ và bằng 26,3% so với kế hoạch năm. Đáng chú ý, trong quý 1, ngành may mặc xuất khẩu  đạt  91 triệu 387 nghìn sản phẩm, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Từ những con số này cho thấy, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2024 của ngành may mặc có nhiều dấu hiệu phục hồi, bên cạnh các thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu của tỉnh đã linh hoạt chuyển sang các thị trường có sự phục hồi tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, hay các thị trường mới, còn nhiều dư địa, như châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, Bắc Âu.

Theo ông Phạm Duy Giáp, Giám đốc Chi nhánh May Delta Hậu Lộc 1, tỉnh Thanh Hóa, việc chuyển dịch thị trường xuất khẩu cũng là chiến lược xúc tiến của ngành Công Thương và nhiều doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong năm nay: “Năm 2024, ngoài 1 số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến thị trường Hàn, Nhật, thị trường tiềm năng còn dự địa để phát triển. Chúng tôi đặt ra 1 số yêu cầu với bộ phận phát triển, kinh doanh liên tục tìm kiếm thực hiện yêu cầu của đối tác để mở rộng thêm thị phần tại thị trường Hàn Quốc”.

Thanh Hóa hiện có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc. Dù thị trường những tháng đầu năm có tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nên các doanh nghiệp phải thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường, có các giải pháp ứng phó linh hoạt để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Năm 2024, lượng hàng chúng tôi sẽ dự kiến tăng trưởng từ 30-40% và nó phụ thuộc vào số lượng công nhân tuyển thêm. Chúng tôi đang xây dựng nhà máy mới tại Minh Nghĩa Nông Cống, sản lượng dự kiến 5  triệu sản phẩm, hết quý 2 chúng tôi tuyển 500 công nhân và quý 4 chúng tôi sẽ full năng lực ở nhà máy đó”, ông Trần Công Tuệ, Giám đốc Công Ty TNHH Sản xuất DV &TM Trường Phát, tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành Công thương tỉnh Thanh Hoá đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại đã ký kết để khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Sở Công Thương là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo phát triển kinh tế quốc tế, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cải cách thủ tục hành chính tạo đk cho doanh nghiệp, tuyên truyền hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp qua thương vụ Việt Nam tại các nước và hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển thương mại điện tử cho đơn vị mình”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa khẳng định.

Có thể nói, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tỉnh Thanh Hóa đã nhạy bén trong việc giữ chân khách hàng cũ, tìm kiếm, khai thác thêm nhiều thị trường mới để xuất khẩu, ổn định sản xuất kinh doanh. Đây chính là tiền đề để ngành may mặc Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu sản xuất khoảng 530 triệu sản phẩm trong năm 2024.