Tiếp tục Lễ hội Sông nước Tp.HCM, định vị thương hiệu du lịch

Admin

Lễ hội Sông nước Tp.HCM lần 2 sắp được tổ chức sẽ tiếp tục khai thác du lịch đường thủy, tạo sức bật kinh tế dịch vụ cho địa phương.

Kích cầu kinh tế qua lễ hội

Đầu tháng 5/2024, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương với tinh thần khẩn trương để tổ chức Lễ hội Sông nước thành phố Hồ Chí Minh lần 2 diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 9/6/2024 với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại".

Lễ hội Sông nước thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 có nhiều đổi mới về quy mô và chất lượng chương trình, sẽ được diễn ra tại các địa điểm: Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn, Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên Bờ sông Sài Gòn, khu vực Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Ngôi Sao Việt (quận 7), Bến Bình Đông (quận 8), Khu Du lịch Văn hoá Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Lễ hội Sông nước thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 đã được tổ chức đúng định hướng, mục đích, yêu cầu đề ra, thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân và du khách trong nước lẫn quốc tế.

Lễ hội đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào đối với Thành phố, truyền cảm hứng khám phá điểm đến thành phố Hồ Chí Minh đối với du khách.

Tiêu dùng & Dư luận - Tiếp tục Lễ hội Sông nước Tp.HCM, định vị thương hiệu du lịch

Lễ hội Sông nước thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy du lịch đường thủy hoạt động phong phú, đa dạng theo định hướng phát triển kinh tế xã hội.

Trong tuần lễ diễn ra Lễ hội (từ ngày 31/7 đến 08/8/2023), thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được hơn 210.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan (hơn 120.000 lượt khách nội địa và 91.000 lượt khách quốc tế).

Trong đó, 4 ngày diễn ra Lễ hội (ngày 4-7/8/2023) đã ghi nhận 53.956 lượt khách quốc tế đến Thành phố, tăng 112,4% so với dịp lễ 30/4 - 1/5 năm 2023 (48.000 lượt khách) và số lượng khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội đạt hơn 60.000 lượt người.

Bên cạnh tiềm năng tổ chức sự kiện quy mô lớn khi có sự chung sức của các ngành, lễ hội cũng cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế sự kiện. Các tàu nhà hàng đạt công suất 100% trong thời gian diễn ra lễ hội, doanh thu các tàu nhà hàng tăng 23% so với thường kỳ.

Song song, tuyến đường thủy nội đô tăng 50% lượng khách so với thường kỳ; tuyến buýt đường sông, tuyến cao tốc và tour du lịch đường thủy đón khoảng 12.000 lượt khách, tăng 15% so với thường kỳ.

Ngoài ra, công suất phòng lưu trú tăng 20%, nhất là khách sạn tại khu vực trung tâm; nhiều khu, điểm du lịch có phản hồi tốt về lượng khách tăng trong thời gian tổ chức Lễ hội.

Tìm cách đầu tư, khai thác tiềm năng

Theo định hướng, mục tiêu của ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 là sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), được liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.

Thành phố phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố.

Để đạt được mục tiêu, thành phố Hồ Chí Minh cần phải có các bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch; có cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách du lịch, cùng sự tham gia ủng hộ của các ngành chức năng liên quan phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy.

Đại diện một số công ty du lịch chia sẻ, các tour du ngoạn sông Sài Gòn hiện có xu hướng tăng khá tốt, tiềm năng hút cả khách nội địa và quốc tế, đem lại kỳ vọng về doanh thu cho các doanh nghiệp. Mỗi tháng, trung bình một doanh nghiệp lữ hành có thể đón khoảng 3 - 4 đoàn từ 5 - 20 khách từ các thị trường Âu, Mỹ, Australia và khách du lịch nội địa. Thời gian tham quan thường kéo dài từ nửa ngày đến một ngày.

Bà Nguyễn Thị Vương, Quản lý điều hành Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc thông tin: “Sản phẩm du lịch trên dòng kênh có sức cạnh tranh với nhiều điểm du lịch khác, trong các tour du lịch đón khách đến với thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại khách quốc tế chiếm tới hơn 50% lượng khách tham quan tuyến du lịch này của công ty. Sắp tới công ty sẽ đón thêm nhiều đoàn khách ngoại quốc đến trải nghiệm và sử dụng dịch vụ tại bến”.

Còn ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông-Marketing TSTtourist cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi thiết kế nhiều sản phẩm gắn với du lịch đường sông nói chung, như tour du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, dành cho nhóm từ 20 khách, khởi hành theo yêu cầu. Tour trải nghiệm thành phố xanh Thủ Đức bao gồm hành trình trong ngày và 2 ngày, gắn kết giữa việc tìm hiểu khám phá lịch sử trên sông Sài Gòn qua những câu chuyện lịch sử theo thời gian với những điểm đến mang giá trị tự nhiên, văn hóa, lối sống tại vùng đất Thủ Đức”.

Đối với Lễ hội Sông nước thành phố Hồ Chí Minh, ông Mẫn cho rằng, đây là hướng tiếp cận mang giá trị văn hóa, khai thác được ưu thế tự nhiên và giá trị lịch sử của những dòng sông, con để tạo nên những sản phẩm du lịch thú vị.

“Tuy nhiên, nếu muốn thành công và tạo nên thương hiệu du lịch sông nước Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh thì cần thiết có sự tham gia của nhiều sở, ngành gắn đầu tư với cải tạo, quy hoạch và phát triển các bến du thuyền, cầu tàu, các dịch vụ liên hoàn trên bến gắn kết các dịch vụ, tiện ích. Từ đó tạo thành một chỉnh thể vừa mang lại giá trị kinh tế chung, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng cùng thực hiện để phát triển du lịch theo hướng bền vững, an toàn”, ông Mẫn đánh giá.