Thương mại điện tử: Tận dụng cơ hội đưa nông sản Việt vươn xa

Admin

Để tạo đầu ra cho nông sản qua sàn thương mại điện tử nhằm tăng cơ hội xuất khẩu, Bắc Giang và Sơn La đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng ưu thế này.

Nỗ lực đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử

Nhận thức rõ sàn thương mại điện tử (TMĐT) chính là giải pháp để nông sản địa phương có thể đến gần hơn và nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, Bắc Giang đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng ưu thế này.

Công thương đưa tin, theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tăng trưởng TMĐT của Bắc Giang bình quân đạt 17,6%; đến nay 100% các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh đã có mặt trên các sàn TMĐT và các nền tảng mạng xã hội. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã có 4.843 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh khởi tạo gian hàng, quảng bá và bán sản phẩm trên các sàn TMĐT trong và ngoài nước.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2023, vải thiều được tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước (đạt trên 8.000 tấn, trong đó có hơn 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua TMĐT), đồng thời tiếp cận được nhiều khách hàng trên thế giới.

Để có những kết quả tích cực trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản qua sàn TMĐT thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai phối hợp với các sàn TMĐT tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã, nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán…

Đáng chú ý, Bắc Giang đã lựa chọn, hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn; hỗ trợ 1 doanh nghiệp của tỉnh tham gia trên sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com. Kết quả bước đầu đã có những khách hàng tại Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức ghé thăm và tìm hiểu…

Tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối, hỗ trợ tham gia sàn TMĐT cho các học viên là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình, thanh niên khởi nghiệp tích cực làm kinh tế mới trên địa bàn huyện, một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương. Hiện Bắc Giang đã có gần 115.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn TMĐT.

Xu hướng thị trường - Thương mại điện tử: Tận dụng cơ hội đưa nông sản Việt vươn xa

Đoàn xe xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN

Tương tự như Bắc Giang, tại khu vực Tây Bắc, Sơn La cũng đã đẩy mạnh công tác phát triển, mở rộng thị trường trong nước qua kênh bán hàng trực tuyến và coi đây là giải pháp trọng tâm trong tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, công tác phát triển TMĐT được lãnh đạo tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, Sơn La tập trung nghiên cứu việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia các hoạt động TMĐT quốc tế.

Tiếp tục hỗ trợ đưa nông sản vươn xa

Trước xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm qua sàn TMĐT, Bắc Giang đã triển khai xây dựng chuyên trang TMĐT tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin của Sở Công Thương nhằm quản lý các website TMĐT và cung cấp thông tin về hoạt động TMĐT cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với tỉnh Sơn La, để đạt được mục tiêu giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh năm 2024 đạt 196,1 triệu USD, tăng 5,07% so với năm 2023 (trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, tăng 5,12% so với năm 2023); giá trị sản phẩm trái cây xuất khẩu phấn đấu đạt 34,22 triệu USD (tăng 4,43% so với năm 2023), Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu qua các TMĐT. Đồng thời, đưa sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu qua hợp đồng thương mại quốc tế.

Lợi thế của TMĐT là giúp người sản xuất giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm, việc quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn so với kênh bán hàng truyền thống. Nhiều chủ thể đã khai thác thế mạnh này để phát triển các kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản.

Theo Sở Công thương, năm 2023, cơ quan này đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) hỗ trợ các DN, HTX, hộ sản xuất lên các sàn TMĐT trong nước nhằm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng, tiềm năng của tỉnh.

Cùng đó, tổ chức 2 hội nghị tập huấn về TMĐT, trong đó 1 lớp cho đối tượng là các DN, HTX nhằm nâng cao nhận thức về TMĐT; hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh như: Tiktok, Zalo và khởi tạo gian hàng trên sàn Posmart.vn…

Đặc biệt, tháng 6/2023, tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đã quy tụ hơn 40 người có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng Tiktok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, tương La, đông trùng hạ thảo…

Trong vòng 4 giờ, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút gần 1,7 triệu lượt xem, 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ đưa sản phẩm của 5 HTX lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế, theo báo Hải Dương.

Việc đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới là hướng đi phù hợp, giúp cho các địa phương có thế mạnh về nông sản như Bắc Giang, Sơn La mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, trước các đòi hỏi, yêu cầu cao của các sàn TMĐT, các địa phương cần hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa,… Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các sàn TMĐT để hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho bà con về quy trình, cách thức đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT.

KHÁNH LINH (t/h)