Thương lái đóng vai trò nhất định trong chuỗi sản xuất nông nghiệp ĐBSCL

Admin

Sáng nay (2/5) tại Cần Thơ, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn ĐBSCL, Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội thảo phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Tại hội thảo, nội dung được nhiều ý kiến trao đổi là vai trò của thương lái trong phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia nêu rõ thương lái là mắt xích tất yếu trong nối kết thị trường. Đặc biệt, thương lái có vai trò quan trọng khi lưu thông những mặt hàng khó tồn trữ hay trong điều kiện sản xuất ở vùng sâu và vùng xa...

Một trong những mặt mạnh của lực lượng này là họ giúp người sản xuất bán được hàng hóa nhưng khó tiếp cận được với người mua là doanh nghiệp; ngược lại, họ giúp cho doanh nghiệp muốn mua nguyên liệu để sản xuất nhưng không thể tiếp cận với nông dân do khoảng cách về địa lý, không đủ phương tiện thu gom và không đủ nhân lực thu mua.

Thương lái đóng vai trò nhất định trong chuỗi sản xuất nông nghiệp ĐBSCL- Ảnh 1.

Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành cùng với nông dân

Có thể thấy, trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, thương lái đóng vai trò quan trọng sau mỗi mùa vụ. Thương lái giúp các công ty lương thực có thể tiếp cận mua lúa tươi tại ruộng cho người dân trồng lúa, qua đó, giải được bài toán vận chuyển cho người nông dân cũng như giải quyết khâu phơi sấy sau khi thu hoạch lúa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, thu về gần 4,7 tỉ USD, tăng hơn 14% về lượng và hơn 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng thương lái trong thu mua và kết nối giữa nhà nông và doanh nghiệp xuất khẩu.

Thương lái đóng vai trò nhất định trong chuỗi sản xuất nông nghiệp ĐBSCL- Ảnh 2.

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nêu rõ, thương lái là một phần không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, với doanh nghiệp. Thương lái cần tự tin với vai trò đóng góp chủ động và tích cực hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

“Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành cùng với nông dân, HTX và doanh nghiệp. Thương lái cần được “có giấy chứng nhận hành nghề”, được đăng ký hành nghề; đồng thời khuyến khích thương lái tập hợp vào các nhóm câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm”, TS. Trần Minh Hải nêu ý kiến.