Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh trong các thời kỳ và trong xây dựng, triển khai quy hoạch.
Đánh giá tổng thể về công tác quy hoạch, Thủ tướng khẳng định, quy hoạch dựa vào tư duy mới, cách làm mới để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng yêu cầu bám sát 3 nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch, đó là bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, cả nước và thế giới, nhất là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng Tây Ninh có nhiều tiềm năng, hội đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững: Đó là không bị thiên tai, bão lũ, có nguồn nước ngọt dồi dào; dư địa về đất đai cho sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp tương đối lớn so với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và có tiềm năng du lịch. Người dân Tây Ninh có truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó , chất phát, nghĩa tình. Địa phương có nguồn lực lao động trẻ…
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tây Ninh cần chú trọng, tập trung thực hiện "Một trọng tâm, hai tăng cường, ba đẩy mạnh".
"Một trọng tâm" theo Thủ tướng là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Thủ tướng cho rằng "Hai tăng cường" là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
Cũng theo Thủ tướng, "Ba đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng cho khu vực, thế giới, nhất là những ngành có thế mạnh; khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Thủ tướng cũng lưu ý Tây Ninh 5 "bảo đảm" trong triển khai quy hoạch. Đó là phải bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch; bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết của quy hoạch; bảo đảm tính ổn định, kết thừa, phát triển của quy hoạch và bảo đảm tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trình bày Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.