Thủ tướng: Đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường tìm kiếm đối tác

Admin

Tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ, chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài đối thoại với Thủ tướng để thúc đẩy xuất khẩu.

Chiều tối 19/8, từ trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến.

Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, củng cố, phát triển các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025, trong bối cảnh các thị trường của Việt Nam được dự báo đang dần thu hẹp do tác động từ tình hình thế giới.

Phải thúc đẩy mở rộng thị trường

Thủ tướng cho rằng, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giúp tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài; tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho ngành dệt may, da giày sản xuất, xuất khẩu khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn; tìm nguồn than đá từ Australia, Nam Phi, Lào cho nhu cầu sản xuất điện; hỗ trợ thu hồi hơn 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italy...

Tiêu điểm - Thủ tướng: Đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường tìm kiếm đối tác

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài (ảnh: VGP).

Thủ tướng yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại.

Từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với đó, nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu phát triển thị trường, kết nối giao thương.

Đồng thời chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường tìm kiếm đối tác (Hình 2).

Các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ/chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến (ảnh: VGP).

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, quản trị mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xây dựng hệ thống thương vụ hoạt động đồng bộ

Theo Thủ tướng, các thương vụ phải tích cực kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hoạt động đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ, tính kết nối cao; xây dựng từng cơ quan thương vụ đoàn kết, thống nhất với đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc sảo, nhạy bén, trách nhiệm và chuyên nghiệp, bảo đảm cao nhất chất lượng, tiến độ và hiệu quả công việc.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng ngành công thương nói chung và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ phát huy truyền thống và những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đất nước hùng cường, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

“Chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa, đã có quyết tâm cao rồi thì phải cao hơn nữa, đã nỗ lực phấn đấu nhiều rồi phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, đã hành động quyết liệt rồi phải tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các thương vụ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, kiến nghị xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.