Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 3 yếu tố then chốt "hút" nhà đầu tư ngoại

Admin

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 yếu tố then chốt hút nhà đầu tư ngoại, cần tập trung vào yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam.

Chiều 4/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Tại họp báo, thông tin về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các tập đoàn công nghệ có quy mô lớn ở những lĩnh vực quan trọng như bán dẫn và các ngành công nghệ chip, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết: Thu hút đầu tư, khả năng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn là một trong 3 đột phá mà Nghị quyết của Đảng đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII. Việt Nam đã rất cố gắng để vận động, thu hút đầu tư của nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử bán dẫn…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 3 yếu tố then chốt

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ tại họp báo

Theo thứ trưởng Đỗ Thành Trung, thực tế hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đầu tư ở Việt Nam mà còn đầu tư ở rất nhiều quốc gia khác nhau, nên việc họ đầu tư vào Việt Nam hay đầu tư ở quốc gia khác là chuyện bình thường. Việc đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, yếu tố khách quan bao gồm các yếu tố như tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam, xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các vấn đề về an ninh.

Thứ hai, yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư: Phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ phù hợp của từng địa bàn, từng khu vực, các nguồn lực triển khai…

Thứ ba, yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Trong 3 yếu tố trên, chúng ta cần tập trung vào yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam.

Về thể chế, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn điện tử, chíp... Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam bảo đảm cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành này như điện… tất cả đều được đầu tư đồng bộ.

Gần đây nhất, Quy hoạch điện VIII cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững.

Song song với đó, chúng ta tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, để tạo môi trường, thể chế vượt trội, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, có các cơ quan có năng lực đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học uy tín… như Viettel, VNPT, FPT, CMC…

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bảo đảm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho các nhà đầu nước ngoài, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chíp. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, đầu tư kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Trong ngành bán dẫn, ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đầu tư, hợp tác cụ thể tại Việt Nam, tiêu biểu như: Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip…

Gần đây, lãnh đạo tập đoàn NVIDIA đã liên tục thăm Việt Nam và cam kết hợp tác về AI và bán dẫn. Theo đó, nâng cao khả năng hợp tác bao gồm xây dựng các trung tâm siêu tính toán tại Việt Nam, đào tạo nhân lực AI và công nghiệp bán dẫn, phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI.

Đánh giá về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, chia sẻ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 4/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu muốn đầu tư vào ngành điện tử, chip, bán dẫn tại Việt Nam.

"Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam", ông nói, thêm rằng riêng tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới từ đầu năm đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo đang thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu. Nội dung này cũng được ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - đề cập tại lễ khai giảng Chương trình phát triển nhân tài công nghệ cao (SIC) hôm qua (3/5). Theo ông Choi, Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, được thể hiện rõ nét hơn trên các phương diện chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng và ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý trên toàn thế giới. Đặc biệt, tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao được kỳ vọng trở nên nổi bật hơn nữa. "Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam", ông Choi nói.