Thị trường ngày 3/9: Giá dầu, vàng, bạc và đồng… đồng loạt tăng trở lại, dầu cọ thấp nhất 1 tháng

Admin

Chốt phiên giao dịch ngày 2/9, giá dầu, vàng, bạc, bạch kim và đồng… đồng loạt tăng trở lại, trong khi khí tự nhiên, quặng sắt, thép cây và cao su đồng loạt giảm, dầu cọ thấp nhất 1 tháng.

Giá dầu tăng nhẹ

Giá dầu tăng, do kỳ vọng OPEC+ sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào ngày 5/9/2022, song mối lo ngại các hạn chế Covid-19 của Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu suy yếu đã hạn chế đà tăng.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/9, dầu thô Brent tăng 66 US cent lên 93,02 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 26 US cent lên 86,87 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm 3% xuống mức thấp nhất 2 tuần trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 7,9% và dầu WTI giảm 6,7%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu – nhóm được gọi là OPEC+, sẽ họp vào ngày 5/9/2022, trong bối cảnh dự kiến nhu cầu sẽ giảm, song nước sản xuất hàng đầu – Saudi Arabia – cho biết nguồn cung vẫn thắt chặt.

Trong tuần này, OPEC+ điều chỉnh cán cân thị trường trong năm nay và dự kiến cán cân cung cầu sẽ thiếu hụt 400.000 thùng/ngày (bpd), so với mức thiếu hụt 900.000 bpd dự báo trước đó. Nhóm các nhà sản xuất dự kiến thị trường dầu mỏ năm 2023 sẽ thiếu hụt 300.000 bpd.

Giá khí tự nhiên giảm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm và có tuần giảm mạnh nhất trong 2 tháng, do dự báo nhu cầu giảm bớt bởi thời tiết sẽ ít nóng hơn.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn New York giảm 47,6 US cent tương đương 5,1% xuống 8,786 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần bắt đầu ngày 1/7/2022.

Giá vàng, bạc, bạch kim và palađi đều tăng

Giá vàng tăng gần 1%, do đồng USD giảm sau số liệu việc làm của Mỹ hầu như phù hợp với kỳ vọng, song giá vàng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, chịu áp lực bởi môi trường lãi suất tăng.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,8% lên 1.710,29 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 1,5% và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.722,6 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD giảm 0,1%, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm.

Đồng thời, bạc tăng 0,8% lên 17,99 USD/ounce, bạch kim tăng 0,8% lên 834,77 USD/ounce và palađi tăng 0,5% lên 2.022,43 USD/ounce. Tuy nhiên, cả 3 loại này có tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Giá đồng rời khỏi mức thấp nhất 1 tháng

Giá đồng rời khỏi mức thấp nhất hơn 1 tháng, sau số liệu việc làm của Mỹ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể kiềm chế lộ trình tăng lãi suất tích cực.

Giá đồng trên sàn London tăng 0,7% lên 7.648 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất (7.510 USD/tấn) kể từ ngày 27/7/2022 trong đầu phiên giao dịch.

Số liệu việc làm cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã thuê nhiều lao động hơn dự kiến trong tháng 8/2022, song mức tăng lương khiêm tốn và tỉ lệ thất nghiệp tăng 3,7%, có thể giảm bớt áp lực buộc Fed phải đưa ra việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản - lần thứ 3 - trong tháng này.

Giá quặng sắt và thép cây giảm

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất hơn 5 tuần, cùng với đó là giá quặng sắt chạm mức thấp tại Singapore, do lo ngại nhu cầu khi nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 mới.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,8% xuống 667,5 CNY (96,7 USD/tấn), sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 26/7/2022 (652 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch.

Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 1,1% xuống 94,4 USD/tấn, trước đó trong phiên chạm mức thấp 92,75 USD/tấn.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc chạm 98 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 11/2021, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Trên sàn Thượng Hải giá thép cây giảm 1,3%, thép cuộn cán nóng giảm 2,1%, song thép không gỉ tăng 1,5%.

Trung Quốc có khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ, khi các biện pháp kích thích đã được kiềm chế và lạm phát tiêu dùng vẫn được kiểm soát, phát ngôn viên của ngân hàng trung ương nước này cho biết.

Cao su tại Nhật Bản tiếp đà giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 4 liên tiếp, do lo ngại nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại, trong bối cảnh các hạn chế Covid mới tại nhiều thành phố.

Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka giảm 2,2 JPY tương đương 1% xuống 216,6 JPY (1,54 USD)/kg, đóng cửa phiên chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2021. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm hơn 4%.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 170 CNY xuống 12.280 CNY (1.779 USD)/tấn.

Những tháng trước đó, chứng kiến lo ngại nhu cầu cao su tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại, do nước này chịu khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và các đợt đóng cửa kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tiêu dùng.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 132,8 US cent/kg.

Giá cà phê tiếp đà giảm

Giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm, rời xa so với mức cao nhất 6 tháng trong tuần trước đó.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 3,7 US cent tương đương 1,6% xuống 2,288 USD/lb, giảm từ mức cao nhất 6 tháng (2,4295 USD/lb) trong tuần trước đó.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London giảm 5 USD tương đương 0,2% xuống 2.223 USD/tấn.

Giá đường tăng tiếp

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,9% lên 18,15 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 14,7 USD tương đương 2,6% lên 573,8 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 578,2 USD/tấn – cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022.

Giá lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng

Giá lúa mì, ngô và đậu tương tại Mỹ tăng, do hoạt động mua bù thiếu trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày của Mỹ, dẫn đầu là dầu thô và các hàng hóa khác tăng, do lo ngại về việc tăng lãi suất tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 16-3/4 US cent lên 8,11 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 7-3/4 US cent lên 6,65-3/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 25-3/4 US cent lên 14,2-1/2 USD/bushel.

Giá dầu cọ vẫn thấp nhất gần 1 tháng

Giá dầu cọ tại Malaysia chạm mức thấp nhất gần 1 tháng và có tuần giảm, do các hạn chế Covid-19 mới tại Trung Quốc, dấy lên mối lo ngại nhu cầu từ nước mua hàng đầu thế giới giảm.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 93 ringgit tương đương 2,33% xuống 3.901 ringgit (870,37 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 5/8/2022. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 6,5%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 3/9:

Thị trường ngày 3/9: Giá dầu, vàng, bạc và đồng… đồng loạt tăng trở lại, dầu cọ thấp nhất 1 tháng - Ảnh 1.