Giá dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn sẽ khiến nhu cầu năng lượng suy giảm, bù đắp tồn trữ dầu thô Mỹ giảm và tiêu thụ xăng hồi phục.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/7, dầu thô Brent tăng 52 US cent lên 107,14 USD/thùng, sau khi tăng 2,22 USD/thùng trong phiên trước đó, trong khi dầu thô Tây Texas WTI giảm 84 US cent xuống 96,42 USD/thùng, sau khi tăng 2,28 USD/thùng trong phiên trước đó.
Giá dầu giảm sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2/2022 bất ngờ giảm, dấy lên mối lo ngại suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Chi tiêu tiêu dùng tăng chậm nhất trong 2 năm và chi tiêu kinh doanh giảm.
Trong khi đó, số liệu dầu Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô trong tuần trước giảm 4,5 triệu thùng, hơn gấp 4 lần dự báo, cùng với đó là nhu cầu xăng tăng 8,5% so với tuần trước đó.
Giá khí tự nhiên giảm 5%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 5%, do dự báo thời tiết đến giữa tháng 8/2022 ít nóng hơn so với dự báo trước đó và sản lượng khí tự nhiên tăng lên gần mức cao kỷ lục.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn New York giảm 42 US cent tương đương 4,9% xuống 8,134 USD/mmBTU. Tính đến nay, giá khí tự nhiên tăng 119%, do giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng, đặc biệt kể từ khi châu Âu bắt đầu giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga sau cuộc xung đột Nga – Ukraine hôm 24/2/2022.
Giá khí đốt tại châu Âu ở mức 61 USD/mmBTU và 42 USD/mmBTU tại châu Á.
Giá vàng tiếp đà tăng
Giá vàng tăng hơn 1%, do nền kinh tế Mỹ giảm thúc đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn là vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,1% lên 1.752,39 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York tăng 1,8% lên 1.750,3 USD/ounce.
Nền kinh tế Mỹ trong quý 2/2022 bất ngờ giảm, với chi tiêu tiêu dùng tăng chậm nhất trong 2 năm và chi tiêu kinh doanh giảm, điều này có thể khiến thị trường lo ngại nền kinh tế suy thoái.
Giá đồng cao nhất 3 tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 3 tuần, khi các nhà đầu tư dự đoán lãi suất Mỹ tăng chậm hơn và nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – được cải thiện.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,4% lên 7.742 USD/tấn. Tính đến nay, giá đồng tăng 11% từ mức thấp nhất 20 tháng (6.955 USD/tấn) hôm 15/7/2022, song vẫn giảm 20% kể từ đầu năm đến nay.
Giá quặng sắt cao nhất 4 tuần, thép tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên đạt mức cao nhất 4 tuần và tăng phiên thứ 5 liên tiếp, được thúc đẩy bởi lợi nhuận của các công ty thép tại Trung Quốc tăng và kỳ vọng nền kinh tế trong quý 3/2022 tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới hồi phục vững chắc.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 7,2% lên 793,5 CNY (117,67 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất (798,5 CNY/tấn) kể từ ngày 30/6/2022 trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Singapore tăng 6,2% lên 119,35 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 30/6/2022.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 4,5%, thép cuộn cán nóng tăng 4,3% và thép không gỉ tăng 1,3%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng mạnh, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất phù hợp với kỳ vọng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Osaka tăng 1,8 JPY tương đương 0,8% lên 240 JPY (1,77 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 30 CNY lên 12.145 CNY (1.801 USD)/tấn.
Giá cà phê không thay đổi tại Indonesia, giảm tại New York, tăng tại Việt Nam và London
Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam chậm lại do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ thu hoạch, trong khi lượng cà phê tại Indonesia giảm bởi giai đoạn thu hoạch đỉnh điểm đã qua.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 100-130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 44.200-44.700 VND (1,89-1,9 USD)/kg, tăng so với 44.000-44.500 VND 1 tuần trước đó.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 140 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2022, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 0,7 US cent tương đương 0,3% xuống 2,184 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 6 USD tương đương 0,3% lên 2.015 USD/tấn.
Giá đường thô rời khỏi mức thấp nhất 1 năm
Giá đường thô trên sàn ICE tăng từ mức thấp nhất 1 năm trong phiên trước đó, do thời tiết khô tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,32 US cent tương đương 1,8% lên 17,72 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 năm (17,32 US cent/lb) trong phiên trước đó.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 21,4 USD tương đương 4,2% lên 513,6 USD/tấn.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều tăng
Giá đậu tương và ngô trên sàn Chicago tăng, do dự báo thời tiết khô và nóng khu vực trung tây Mỹ trong nhiều tuần tới, đe dọa năng suất cây trồng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 30-1/2 US cent lên 14,4-1/2 USD/bushel, sau khi tăng lên 14,46-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 1/7/2022 trong đầu phiên giao dịch. Giá ngô tăng 16 US cent lên 6,19 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 18/7/2022 và giá lúa mì tăng 26-3/4 US cent lên 8,17 USD/bushel.
Giá gạo không thay đổi tại Ấn Độ, giảm tại Việt Nam và Thái Lan
Đồng USD tăng mạnh, khiến tiến độ nhập khẩu gạo vào Bangladesh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt chậm lại, trong khi giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam giảm do nguồn cung tăng.
Bangladesh bắt đầu nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Ấn Độ, sau khi chính phủ nước này cho phép các thương nhân nhập khẩu 1 triệu tấn gạo và giảm thuế nhập khẩu sau khi lũ lụt tàn phá cây trồng.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm không thay đổi ở mức 362-368 USD/tấn so với cách đây 1 tuần, do nhu cầu yếu bù đắp lo ngại nguồn cung.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam giảm xuống 395-413 USD/tấn, so với 415-420 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 400 USD/tấn, so với 420 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá dầu cọ tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 3 liên tiếp, do giá dầu đậu tương tăng bởi lo ngại vụ thu hoạch đậu tương thắt chặt và các thương nhân tiếp tục mua vào kiếm lời.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 3,53% lên 3.961 ringgit (889,91 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu cọ tăng 5,23% lên mức cao nhất 1 tuần.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 29/7