Dầu tiếp tục giảm
Giá dầu tiếp tục giảm do sản lượng dầu thô của Mỹ tăng cũng như hy vọng về việc ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Chốt phiên 30/4, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6 đáo hạn trong ngày giảm 0,54 USD hay 0,6% xuống 87,86 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 7 giảm 0,87 USD xuống 86,33 USD/thùng. Dầu WTI giảm 0,7 USD hay 0,9% xuống 81,93 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu thô của nước này tăng lên 13,15 triệu thùng/ngày trong tháng 2 từ 12,58 triệu thùng/ngày trong tháng 1, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021. Trong khi đó xuất khẩu tăng lên 4,66 triệu thùng/ngày từ 4,05 triệu thùng/ngày trong cùng giai đoạn đó.
Hy vọng rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể đạt được đã tăng lên trong những ngày gần đây sau nỗ lực mới của Ai Cập nhằm khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai bên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 30/4 đã tuyên bố tiến hành cuộc tấn công đã được hứa hẹn từ lâu vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Các nhà đầu tư theo dõi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed, việc lãi suất tăng trong thời gian dài hơn có thể khiến USD mạnh thêm đồng thời đe dọa triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Một số nhà đầu tư thận trọng đánh giá khả năng cao hơn rằng Fed có thể nâng lãi suất 1/4 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới do lạm phát và thị trường lao động vẫn mạnh.
Lo ngại về nhu cầu cũng gây sức ép lên tâm lý khi giá dầu diesel giảm.
Khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu từ OPEC giảm trong tháng 4, phản ánh xuất khẩu thấp hơn từ Iran, Iraq và Nigeria trong bối cảnh một số thành viên đồng ý với liên minh OPEC+ đang tự nguyện cắt giảm nguồn cung.
Thăm dò của Reuters cho thấy giá dầu có thể giữ trên 80 USD/thùng trong năm nay, khi các nhà phân tích điều chỉnh dự báo tăng do dự đoán nguồn cung sẽ tụt sau nhu cầu trước xung đột ở Trung Đông và việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Vàng giảm
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất một tuần do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, mặc dù nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ và ngân hàng trung ương đang mua vào khiến vàng có tháng tăng thứ 3 liên tiếp.
Vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 2.294,84 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 2,3% xuống 2.302,9 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng 2,8% trong tháng này sau khi lên mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce trước đó trong tháng 4.
USD tăng 0,3% so với các đồng tiền đối thủ khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng.
Đồng giảm do tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc chậm lại
Giá đồng giảm sau 4 phiên tăng, do tăng trưởng hoạt động sản xuất chậm lại ở Trung Quốc và USD mạnh, nhưng ghi nhận tháng tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm do lo ngại nguồn cung.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,8% xuống 9.952,5 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất hai năm tại 10.208 USD/tấn trong đầu phiên giao dịch.
Đồng đã tăng 12,4% trong tháng này, tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.
Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm cho tới nay chỉ được thể hiện rõ ràng trong quặng đồng tại Trung Quốc do nguồn cung cấp của các mỏ bị chậm trễ. Trong khi đó mức chênh của đồng Yangshan đã giảm xuống 5 USD/tấn từ 60 USD/tấn trong gần hai tháng trước, bổ sung những lo ngại về nhu cầu hiện tại đối với kim loại đã tinh chế.
Quặng sắt giảm do lo ngại rủi ro trước kỳ nghỉ lễ
Giá quặng sắt và thép giảm trong bối cảnh lo ngại rủi ro trước kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc, nhưng hầu hết các hợp đồng ghi nhận mức tăng trong tháng nhờ triển vọng nhu cầu tốt hơn từ lĩnh vực bất động sản.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đóng cửa giảm 0,1% xuống 874 CNY (120,65 USD)/tấn. Tuy nhiên, hợp đồng này đã tăng 16,6% trong tháng này, tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2023.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 5 giảm 0,6% xuống 116,5 USD/tấn. Hợp đồng này tăng 16% trong tháng 4.
Các thị trường tại Trung Quốc, nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới sẽ đóng cửa nghỉ lễ từ 1 đến 3/5.
Triển vọng với ngành kim loại đen là trung bình tới tăng nhẹ do động thái mới nhất của Trung Quốc để thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng, ngoài ra việc tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất cũng hỗ trợ một phần.
Cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc trong tuần trước cho biết họ sẽ hướng dẫn chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, một lĩnh vực tiêu thụ lượng lớn sản phẩm thép.
Cũng có sự thận trọng về mức tiêu thụ thép của Trung Quốc giảm trong mùa hè khi thời tiết nóng và ẩm ướt làm chậm hoạt động xây dựng.
Thép tại Thượng Hải giảm, thép thanh giảm 0,4% xuống 3.656 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống 3.804 CNY/tấn, dây thép cuộn giảm 5,7% xuống 3.500 CNY/tấn và thép không gỉ giảm 0,1% xuống 14.280 CNY/tấn.
Cao su Nhật Bản có tháng giảm mạnh nhất trong 1,5 năm
Giá cao su Nhật Bản tăng trong bối cảnh đồng JPY giảm và số liệu sản xuất thuận lợi, nhưng ghi nhận tháng sụt giảm đầu tiên trong năm 2024 và giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,6 JPY hya 0,52% lên 307 JPY (1,96 USD)/kg. Hợp đồng này giảm 6,57% trong tháng 4, kết thúc chuỗi tăng kéo dài 3 tháng. Giá tăng 10,64% trong tháng 3 trong bối cảnh lo ngại khan hiếm nguồn cung.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 đóng cửa giảm 175 CNY xuống 14.045 CNY (1.938,9 USD)/tấn trước kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Đường, cà phê giảm
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 143 USD hay 3,4% xuống 4021 USD/tấn, giá đã đạt cao kỷ lục 4.338 USD/tấn trong tuần trước.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 4,8% xuống 2,1665 USD/lb.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,49 US cent xuống 19,71 US cent/lb trong khi đường trắng giảm 4,5 USD hay 0,8% xuống 569,3 USD/tấn.
Đậu tương, ngô, lúa mì giảm
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm do giá dầu đậu tương giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 19 US cent xuống 11,63 USD/bushel.
Ngô giảm trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu dồi dào.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 chốt phiên giảm 2-1/2 US cent xuống 4,46-3/4 USD/bushel.
Lúa mì kỳ hạn tháng 7 giảm 5-1/4 US cent xuống 6,03-1/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/5