CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - HoSE: FRT) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.
Trong quý II/2022, FPT Retail nhận định thị trường bán lẻ đi vào vùng trũng khi nhu cầu mua sắm giảm sau dịp lễ tết. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ.
Kết thúc nửa đầu năm 2022, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất lũy kế đạt 13.999 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 4.008 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 263 tỷ đồng, gấp 3,5 lần 6 tháng đầu năm 2021.
Kết thúc nửa đầu năm 2022, chuỗi FPT Shop đạt 728 cửa hàng, tăng thêm 81 cửa hàng so với đầu năm 2022. Tại ngày 30/6, Long Châu sở hữu 678 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 278 nhà thuốc so với đầu năm. Kế hoạch FRT đặt ra trước đó là đến hết năm 2022, sẽ tăng vùng phủ sóng chuỗi Long Châu lên 800 địa điểm.
Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông FPT Retail thông qua kế hoạch doanh thu 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 30% so với năm 2021. Như vậy, sau nửa năm tài chính, công ty đã thực hiện 52% kế hoạch doanh thu và 37% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.
Kết quả kinh doanh của FRT góp phần không nhỏ đến từ việc kinh doanh online. Cụ thể, doanh thu online 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.618 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 19% tổng doanh thu hợp nhất. Công ty cho biết ngành hàng laptop vẫn là điểm sáng khi ghi nhận doanh thu đạt 2.278 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong thời gian qua, FRT cũng tiếp tục mở mới các trung tâm laptop, đưa số lượng trung tâm laptop chuẩn mới lên 157 trung tâm, tăng gấp đôi so với đầu năm. Từ tháng cuối năm 2021, FRT đã triển khai dòng sản phẩm laptop gaming và FPT Shop hiện là nhà bán lẻ đứng đầu thị trường về dòng sản phẩm này.
Hồi tháng 4, trước câu hỏi động lực tăng trưởng cho FPT Shop là gì khi nhu cầu học tập và làm việc tại nhà giảm sau giãn cách xã hội, đại diện FRT cho biết dù nhu cầu giảm song người dùng đã có thói quen sử dụng thiết bị công nghệ nên đối tượng sử dụng sản phẩm sẽ nhiều hơn và được trẻ hóa đến cả học sinh thay vì là sinh viên như trước đây.
"Ngoài ra, còn số lượng lớn người tiêu dùng có nhu cầu nâng cấp thiết bị sau 2-3 năm sử dụng nên chúng tôi cho rằng thị trường này luôn có tiềm năng", đại diện FRT cho hay.
Năm 2021, FRT là một trong những cổ phiếu tăng mạnh mẽ nhất trong nhóm các doanh nghiệp bán lẻ. Sang năm 2022, dù mã này đã điều chỉnh giảm từ hồi đầu tháng 6 đến nay theo đà giảm chung của thị trường song vẫn tăng 20% so với hồi đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/7, FRT dừng tại mức 72.000 đồng/cổ phiếu.