Trong báo cáo vừa gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), UBND TP HCM kiến nghị bộ này báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục giải quyết các trường hợp được hưởng tiền hỗ trợ thuê nhà theo Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất lùi thời hạn nhận hồ sơ, giải ngân
Theo đó, thay vì quy định hạn chót là trước ngày 15-8, TP HCM đề xuất thời gian nhận hồ sơ là đến hết ngày 20-9 và hoàn thành giải ngân đến ngày 30-9. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi, chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ) cũng như với doanh nghiệp (DN).
Đáng chú ý, UBND TP HCM đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với tất cả NLĐ làm việc trong các loại hình DN, tổ chức. Lý do mà TP HCM đưa ra là nhiều NLĐ đủ điều kiện hưởng nhưng do nơi làm việc không phải loại hình hoạt động là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM kiểm tra việc chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại một doanh nghiệp ở quận 10. Ảnh: CAO HƯỜNG
UBND TP HCM cho biết thực hiện Quyết định 08/2022, đến nay, thành phố đã phê duyệt 69.812 lượt hồ sơ DN với 1.675.886 lượt người, số tiền hỗ trợ là hơn 975 tỉ đồng, đạt 100% hồ sơ đủ điều kiện. Thành phố đã chuyển kinh phí đến 64.755 lượt DN với 1.564.193 lượt người, số tiền hỗ trợ gần 950 tỉ đồng, chiếm hơn 97% so với phê duyệt.
So với số lượng và kinh phí dự kiến ban đầu đăng ký với Bộ LĐ-TB-XH thì trên thực tế, tình hình tiếp nhận hồ sơ tại TP HCM thấp hơn. Qua công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ đến hết ngày 15-8, TP HCM đã có báo cáo, đề xuất Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh dự kiến số lượng và nhu cầu kinh phí là 66.358 lượt DN với 1.454.067 lượt lao động, số tiền hỗ trợ là hơn 967,7 tỉ đồng.
Nguyên nhân sự chênh lệch này là do TP HCM có số lượng DN và NLĐ lớn, do đó khó thực hiện việc khảo sát, thống kê và đề nghị DN đăng ký số lượng hỗ trợ. Bên cạnh đó, đối tượng không tham gia BHXH được các địa phương dự kiến chưa sát với tình hình thực tế.
Nhân văn, kịp thời
UBND TP HCM cho biết chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ làm việc tại các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã giúp NLĐ có thêm khoản kinh phí chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày; gián tiếp hỗ trợ DN duy trì được lực lượng lao động, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đây là một chính sách nhân văn, kịp thời. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này ở TP HCM còn hạn chế. Một số DN chưa nắm các quy định nên xác định đối tượng được hỗ trợ bị sai sót; việc lập hồ sơ thiếu thông tin, thông tin không đúng (sai thông tin NLĐ, sai số tài khoản, sai biểu mẫu, sai đối tượng hỗ trợ, thông tin trùng).
Công nhân chuẩn bị bữa tối tại nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quyết định 08/2022 quy định đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Mức hỗ trợ tối đa là 3 tháng, lần lượt với 2 nhóm đối tượng này là 500.000 đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, nhiều trường hợp nộp sai nơi tiếp nhận, không chủ động gửi hồ sơ trước thời gian quy định mà tập trung nộp gộp vào thời hạn cuối ngày tiếp nhận, một số khác lại gửi qua dịch vụ bưu chính sau ngày 15-8. Mặt khác, có DN trong quá trình chuẩn bị hồ sơ thì thay đổi địa điểm hoạt động nên khi nộp gộp hồ sơ thể hiện 2 địa chỉ khác nhau, gây khó khăn cho cơ quan tiếp nhận. DN cung cấp thông tin liên hệ sai hoặc trực tiếp thực hiện hồ sơ nên việc hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung hồ sơ gặp nhiều khó khăn cũng là một vấn đề khi triển khai Quyết định 08/2022.
Về phía cơ quan chức năng, việc phê duyệt, giải quyết hồ sơ ở một số địa phương còn lúng túng khi giải quyết một số trường hợp như nơi tham gia BHXH khác với nơi đặt trụ sở hoạt động; không liên hệ được với DN để điều chỉnh hồ sơ chưa đúng quy định hoặc DN nộp hồ sơ điện tử nhưng làm thất lạc hồ sơ giấy… Việc giải ngân cũng gặp nhiều khó khăn do số lượng DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ nhiều. Quy định về hồ sơ DN thực hiện quyết toán kinh phí sau khi được chi hỗ trợ còn chung chung, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan chuyên môn khi triển khai thực hiện.
Để việc triển khai chính sách này được hiệu quả, UBND TP HCM cho rằng cần có cơ sở dữ liệu dân cư, tích hợp các thông tin liên quan tình trạng cư trú, lao động, việc làm… cũng như giảm bớt quy trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền ngay từ khi triển khai chính sách hỗ trợ. Các quy định khi thực hiện cần phải rõ ràng, cụ thể; tránh trường hợp vừa tổ chức thực hiện vừa báo cáo, đề nghị cấp trên có văn bản hướng dẫn.
Cùng với đó, theo UBND TP HCM, phải có quy định chế tài cụ thể để khuyến nghị các tổ chức, cá nhân có sự quan tâm, nghiên cứu thực hiện đúng quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đề nghị.
Bớt đi gánh lo
Chị Nguyễn Thị Dung (quê Thanh Hóa; công nhân tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cho biết từ khi chồng mất vì mắc COVID-19, một mình chị phải đảm nhận cả 2 vai trò, vừa làm cha vừa làm mẹ. Gia đình chị luôn đối mặt với tình trạng thiếu trước, hụt sau.
Chị Dung kể mới đây, nhà máy nơi chị đang làm việc phải giảm giờ làm, thậm chí không tăng ca vì không có đơn hàng nên thu nhập ít hẳn, khó khăn lại càng bủa vây cuộc sống của chị và 2 con trai. May mắn, nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ, điều này giống như "chiếc phao cứu sinh" của gia đình chị.
"Tôi nhận được 3 tháng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ tổng cộng được 1,5 triệu đồng hồi giữa tháng 7. Số tiền đã phần nào giúp gia đình tôi bớt đi gánh lo" - chị Dung bộc bạch.
H.Như