Thành phố giàu có, sở hữu quần đảo đẹp bậc nhất Việt Nam cần 361.000 tỷ đồng để nâng tầm quốc tế

Admin

Để phát triển đô thị nâng tầm quốc tế đến năm 2040, Thành phố Hải Phòng cần hơn 361.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn huy động khác.

Thành lập thành phố Thuỷ Nguyên, quận An Dương

UBND Thành phố Hải Phòng vừa phê duyệt chương trình phát triển đô thị định hướng đến 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2040 tỷ lệ đô thị hoá đạt 80-86%, mở rộng khu vực đô thị trung tâm sang huyện Cát Hải để thành lập quận Cát Hải, đưa khu vực nội thành lên thành 10 đơn vị hành chính cấp quận.

Trong buổi làm việc hồi đầu tháng 3, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện nay thành phố đang tập trung triển khai, thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như báo cáo rà soát đánh giá trình độ phát triển đô thị phục vụ thành lập quận An Dương, mở rộng quận Hồng Bàng. Bên cạnh đó là nhóm các công việc liên quan đến thành lập thành phố Thủy Nguyên, nhóm công việc liên quan đến triển khai thủ tục về Dự án tại Bộ Xây dựng; nội dung tham gia ý kiến của Bộ Xây dựng vào Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Theo UBND Thành phố Hải Phòng, tổng nhu cầu vốn phát triển đô thị Hải Phòng từ nay đến năm 2040 là hơn 361.000 tỷ đồng, trong đó, dự kiến vốn ngân sách Trung ương là hơn 47.183 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 152.266 tỷ đồng, nguồn vốn khác là hơn 161.553 tỷ đồng.

Thành phố giàu có, sở hữu quần đảo đẹp bậc nhất Việt Nam cần 361.000 tỷ đồng để nâng tầm quốc tế- Ảnh 1.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 3 (sau thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ) - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Tại kỳ họp lần thứ 15 Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng khoá XVI mới đây, đã thông qua Nghị quyết phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn đầu tư cho một số dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng sẽ thực hiện phát hành 378,2 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, mệnh giá trái phiếu 100.000 đồng, kỳ hạn 5 năm. Lãi suất lô trái phiếu do UBND TP. Hải Phòng quyết định dựa trên khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định và tình hình thị trường trái phiếu tại thời điểm phát hành. Số tiền thu được sẽ sử dụng cho các dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hải Phòng.

Năm 2023, UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Cát Bà là quần đảo có nhiều đảo và đẹp bậc nhất Việt Nam với khoảng 367 hòn đảo lớn, nhỏ mang vẻ đẹp hoang sơ với những đảo đá vôi nhấp nhô trên biển.

Theo quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt hồi cuối năm 2023, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có 9 quận ở khu vực nội thị gồm 7 quận hiện nay là Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh và hai quận mới là An Dương, Kiến Thụy; một thành phố loại 3 Thủy Nguyên và 5 huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Bạch Long Vỹ, Cát Hải.

Sau năm 2030, các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng được xây dựng thành thị xã, huyện Cát Hải thành quận biển đảo. Huyện Cát Hải sẽ là một trọng điểm kinh tế biển của thành phố, huyện đảo thông minh. Trong đó đảo Cát Bà là trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế, đảo Cát Hải là trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại.

Huyện Bạch Long Vĩ là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. TP Thủy Nguyên có diện tích hơn 26.000 ha, định hướng là đô thị loại 3 vào năm 2025, hướng tới đô thị loại 2 vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh, gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố. Đến năm 2035, thành phố có khoảng 600.000 người và đến 2045 khoảng 725.000 người.

Hiện huyện Thủy Nguyên có dân số và diện tích lớn nhất TP Hải Phòng với 35 xã, 2 thị trấn, khoảng 334.000 người.

Thành phố Hải Phòng phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á

Thành phố giàu có, sở hữu quần đảo đẹp bậc nhất Việt Nam cần 361.000 tỷ đồng để nâng tầm quốc tế- Ảnh 2.

Tầm nhìn đến năm 2045 - 2050 Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Theo thông tin từ cục thống kê Hải Phòng, 4 tháng đầu năm 2024 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 40.988 tỷ đồng, bằng 128,77% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 38,39% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao. Nguồn thu ngân sách chủ yếu đến từ các hoạt động xuất nhập khẩu, cảng và các dịch vụ đặc trưng của cảng biển.

Theo quy hoạch, đến năm 2045-2050, Thành phố Hải Phòng sẽ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, là trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Hải Phòng là một trong 3 đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia và là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Hải Phòng có quy mô nền kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 10,34%, đứng thứ 5 cả nước

Đây là thành phố cảng, cửa ngõ giao thương quốc tế chính ra biển của miền Bắc Việt Nam và cũng là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, Hải Phòng sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội từ mô hình Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sang mô hình "Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh", kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các vành đai kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của thành phố, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.

Thành phố giàu có, sở hữu quần đảo đẹp bậc nhất Việt Nam cần 361.000 tỷ đồng để nâng tầm quốc tế- Ảnh 3.

Hình ảnh đô thị Tp Hải Phòng trong tương lai được ứng dụng AI Chat GPT sáng tạo ra.

Việc thay đổi mô hình đô thị thể hiện được định hướng phát triển đồng đều trên toàn thành phố. Nếu trước đây Hải Phòng chỉ có 1 hạt nhân là đô thị hiện hữu thì cấu trúc này từ đơn cực chuyển sang đa cực nhằm tạo động lực cho tất cả các quận huyện có cơ hội tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá đáp ứng tốc độ phát triển dân số trong từng giai đoạn.

Hai vành đai kinh tế được tập trung phát triển gồm Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ-du lịch-đô thị hướng ra biển và Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.