Tăng cường kiểm soát, siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa cuối năm 2022

Admin

Từ giờ đến cuối năm, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, tránh hành vi gian lận, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Theo dõi sát sao mỗi kỳ điều chỉnh giá 

Theo Báo cáo từ các Cục Quản lý địa phương, kết quả kiểm tra tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An cho thấy, hoạt động kinh doanh xăng dầu bình thường, chưa phát hiện các trường hợp cơ sở kinh doanh xăng dầu đóng cửa ngừng hoạt động mà không có lý chính đáng hoặc cắt giảm thời gian bán hàng. Các cửa hàng đều thực hiện niêm yết và bán theo giá đã giảm đúng quy định.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lực lượng quản lý thị trường ghi nhận một cửa hàng trên địa bàn huyện Tân Phước ngừng hoạt động, nguyên nhân là do kinh doanh không hiệu quả và đã thanh lý hợp đồng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã giám sát hơn 5.000 lượt, phát hiện một cửa hàng tiếp tục xin tạm ngừng hoạt động và bốn cửa hàng ngừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả, đã thanh lý hợp đồng. Qua kiểm tra 21 vụ, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền là 380 triệu đồng.

Tương tự, việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh cũng được tăng cường, siết chặt. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường cùng lãnh đạo thành phố, thời gian qua Cục đã liên tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu.

Đồng thời, lực lượng cũng tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đăng ký thời gian bán hàng... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định đối với các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng, đầu cơ, găm hàng, cắt, giảm thời gian bán hàng.

Qua đó, lực lượng quản lý thị trường Tp.Hồ Chí Minh ghi nhận, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, đầy đủ các mặt hàng xăng dầu, tuy nhiên có 3 cửa hàng treo biển hết xăng và xử lý 1 cửa hàng ngừng bán hàng không xin phép.

Kinh tế vĩ mô - Tăng cường kiểm soát, siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa cuối năm 2022

Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu từ giờ đến cuối năm 2022. 

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong đợt giá xăng dầu giảm sâu, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng xăng dầu Đại Thọ thuộc Công ty TNHH Đại Thọ địa chỉ: thôn Hồng Chính, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Cửa hàng xăng dầu Đại Thọ niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối xăng dầu quy định. Do đó, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.

Còn tại địa bàn Vĩnh Phúc, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa tiến hành xử phạt Điểm cấp phát xăng dầu nội bộ thuộc Công ty TNHH một thành viên Tiến Đạt số tiền gần 60 triệu đồng về đối với 3 hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Đáng lưu ý, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang, các Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu; kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đăng ký thời gian bán hàng.

Việc này nhằm kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định đối với các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng, đầu cơ, găm hàng, cắt, giảm thời gian bán hàng.

Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 1 (Đội Cơ động) thực hiện việc giám sát đối với các phương tiện vận chuyển xăng dầu trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Đến thời điểm hiện tại, các Đội Quản lý thị trường đã thực hiện giám sát 13.795 lượt/tổng số 229 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh; qua giám sát các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu vẫn hoạt động bình thường, chưa phát hiện cửa hàng, đại lý có hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, cắt giảm thời gian bán hàng...

Kinh tế vĩ mô - Tăng cường kiểm soát, siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa cuối năm 2022 (Hình 2).

Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.

Đặc biệt, lực lượng còn thực hiện ký cam kết đối với 58 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu về việc chấp hành đúng các quy định trong hoạt kinh doanh xăng dầu. Lập biên bản kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 3 vụ với các hành vi vi phạm như: ký hợp đồng đại lý xăng dầu với đại lý bán lẻ xăng dầu không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định.

Cùng đó, lực lượng cũng xử lý đơn vị không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Tổng tiền phạt vi phạm hành chính là 165 triệu đồng; tồn 1 vụ đang trong quá trình xác minh, làm việc và xử lý.

Xăng dầu là mặt hàng trọng điểm 

Thông tin về công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu thị trường trong nước trong 6 tháng đầu năm, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, trước tình hình giá xăng dầu biến động, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã ra quân kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ngay từ đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý.

"6 tháng đầu năm 2022, lực lượng thường xuyên túc trực, kiểm tra, kiểm soát gần 17.000 cây xăng trên cả nước, đặc biệt là vào những thời điểm chuẩn bị điều hành giá xăng dầu. Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát sâu sát gắt gao, hiện tượng gian lận thương mại tại các cây xăng ngày càng giảm", ông Linh thông tin với Công Thương. 

Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu. Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường được Bộ Công Thương giao làm đầu mối thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phân phối, đầu mối xăng dầu, việc thanh kiểm tra góp phần đáng kể vào công tác bình ổn thị trường, chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Trong thời gian tới, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, lực lượng Quản lý thị trường cả nước tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; Kế hoạch số 410/KH-BCDD389 ngày 14/6/2017 của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường cũng tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm.

Tổng cục Hải quan ghi nhận, đến hết quý II/2022, Việt Nam đã nhập khẩu 4,81 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là hơn 5 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng và tăng 128,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 2,86 triệu tấn, tăng 8,3%, chiếm gần 60% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước. Lượng xăng nhập về đạt 881.000 tấn, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 18,3% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 2 quý/2022 chủ yếu tăng ở các thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng giảm ở thị trường Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,95 triệu tấn, tăng 104,5%; Trung Quốc là 391 nghìn tấn, tăng 92,3%; trong khi đó nhập khẩu từ Malaysia là 781.000 tấn, giảm 45,8%; Singapore là 636 nghìn tấn, giảm 15,8%; Thái Lan là 580.000 tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hương Anh (tổng hợp)