Liên quan đến việc tổ chức thí điểm điều chỉnh trong thời gian một tháng (từ 6/8 đến 6/9), trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân), trao đổi với Người Đưa Tin, Đại úy Lê Ngọc Thanh - Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an quận Thanh Xuân cho biết trong tối ngày 5/8, theo kế hoạch, từ khoảng 21h, các đơn vị thuộc Sở GTVT Hà Nội sẽ bắt đầu dựng dải phân cách, tổ chức phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho việc thí điểm từ ngày 6/8.
"Tối nay, chúng tôi sẽ cử lực lượng ra hiện trường để hỗ trợ, đảm bảo an toàn an ninh trật tự và phân luồng giao thông khi dựng dải phân cách.
Từ 6h30 sáng ngày 6/8, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với Thanh tra Sở GTVT quận Thanh Xuân có mặt ở đường Nguyễn Trãi để điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân di chuyển trên tuyến đường này trong ngày đầu bắt đầu thí điểm", Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an quận Thanh Xuân
Trước đó, UBND Tp. Hà Nội đã cho phép Sở GTVT thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi trong thời gian 1 tháng (6/8 - 6/9).
Cụ thể, cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra.
Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô.
Với việc điều chỉnh này, trao đổi với Người Đưa Tin, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình cho rằng với việc phân tách làm như vậy sẽ khó giảm được ùn tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi tuy nhiên chắc chắn sẽ giảm xung đột giữa các loại phương tiện, giảm rủi ro tai nạn giao thông.
"Lối giao thông “điền vào chỗ trước” như lâu nay ở đường Nguyễn Trãi thực ra cũng có tính hiệu quả nhất định. Còn khi tách làn ô tô và xe máy riêng rẽ thì có thể không phải khi nào các làn đó cũng đầy. Ví dụ có lúc bên làn ô tô đầy, làn xe máy thoáng và ngược lại. Trong khi chúng ta chưa giảm được lưu lượng lượng phương tiện tổng thể lưu thông trên đường nên việc giảm ùn tắc có thể sẽ không đạt được kỳ vọng.
Tuy nhiên nếu phân làn cũng sẽ tạo ra tình trạng tương đối trật tự hơn trước, giảm sự va chạm giữa xe máy và ô tô khi lưu thông đặc biệt khi lưu lượng ở đường Nguyễn Trãi là rất lớn”, ông Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, chuyên gia giao thông này cũng cho rằng có nguy cơ “vỡ trận” khi tổ chức phân làn giao thông bằng dải phân cách cứng ở tuyến đường này với việc dành cho xe máy 2 làn đường.
“Lượng xe máy ở tuyến đường này quá nhiều mà đặc tính của người đi xe máy là khó chờ đợi hơn (do các yếu tố về khói bụi, nắng nóng, tiếng ồn, áp lực chờ đợi,….), do đó nếu 2 làn không đủ cho xe máy tạo ra ùn ứ thì lập tức xe máy sẽ tràn sang làn đường dành cho ôtô, gây ra tình trạng hỗn loạn.
Tôi cho rằng cần xem xét, nghiên cứu kỹ để cân đối số lượng làn phương tiện ôtô, xe máy, nên chăng dành phần rộng rãi hơn cho xe máy", ông Phan Lê Bình phân tích đồng thời cho rằng nếu tình trạng hỗn loạn ở tuyến đường Nguyễn Trãi xảy ra có thể ảnh hưởng đến các tuyến đường xung quanh.
Do đó, chuyên gia này cho rằng qua thí điểm những ngày đầu và theo dõi hiện trạng giao thông cần phải biện pháp để xử lý ngay chứ không nhất thiết phải chờ đợi đến khi kết thúc thí điểm.
Trước đó, nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến đường này, Sở GTVT đã đề xuất UBND Tp. Hà Nội cho thí điểm tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi, dự kiến từ ngày 15/7 và thí điểm trong 15 ngày. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch được lùi so với dự kiến gần một tháng, nguyên nhân được cho là "thận trọng từng bước để đánh giá hiệu quả".
Đoạn đường Nguyễn Trãi dự kiến thí điểm từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân có chiều dài khoảng dài 2.1km, rộng 19 - 23 m. Hướng đi Ngã Tư Sở có 5 làn đường, hướng đi Khuất Duy Tiến có 6 làn đường.
Trên tuyến có 3 điểm mở quay đầu tại dải phân cách giữa, tại các vị trí: Trước Công ty Thuốc lá Thăng Long, trước Công ty Caosu Sao Vàng, trước ngân hàng Agribank.
Hướng từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở: Giao cắt với 3 đường, 8 ngõ, 15 điểm giao cắt với lối vào các công ty, cơ quan, cây xăng…
Hướng từ Ngã Tư Sở đi Khuất Duy Tiến: Giao cắt với 6 đường, 15 ngõ, 8 điểm giao cắt với lối vào các cơ quan, trường học…
Hiện tại, 2 làn xe ôtô được bố trí sát dải phân cách, 2 làn xe hỗn hợp và 1 làn xe máy - xe đạp sát vỉa hè. Các làn xe được phân tách với nhau bằng vạch sơn, biển báo.