Từ sự cố hi hữu...
Sáng 29/7, xe bồn chở bê tông tươi đã húc đổ cổng làng Văn Phú (phường Quảng Thọ, Tp.Sầm Sơn, Thanh Hóa) khi di chuyển qua đây để phục vụ cho công trình xây dựng dân dụng của một hộ dân trong làng.
Theo một người dân tại hiện trường vụ tai nạn cho biết, tài xế xe bồn đã thiếu quan sát khi điều khiển xe di chuyển qua cổng làng, khiến bồn xe đã va chạm vào phần mái của cổng, gây ra sự cố trên.
"Tôi đang làm thì nghe tiếng động mạnh, chạy ra xem thì thấy chiếc xe bồn chở bê tông đã bê nguyên cả cổng làng lên rồi. Cái này do tài xế chủ quan đã không đo chiều cao của xe khi qua cổng", một người dân ở gần hiện trường cho biết.
Theo chính quyền địa phương sở tại, sự việc trên không gây thiệt hại về người, trong khi đó xe bồn bị hư hỏng. Sau khi xảy ra sự cố, người dân cùng các phương tiện đã tham gia hỗ trợ lái xe và thu dọn giải phóng hiện trường an toàn. Phía chủ phương tiện gây ra vụ việc trên đã đồng ý khắc phục hậu quả, xây mới lại cổng làng Văn Phú.
Qua tìm hiểu được biết, cổng làng Văn Phú cũng tương tự như nhiều cổng làng khác ở nước ta, thường được con em làm ăn xa quy cố hương hoặc người dân trong làng góp tiền xây dựng. Cổng làng Văn Phú được xây từ năm 2003, tới nay đã được gần 20 năm.
Đây là hồi chuông báo hiệu trong công tác bảo tồn các công trình cổng làng có giá trị văn hóa lịch sử, trước nguy cơ từ các phương tiện cơ giới hóa ngày càng nhiều theo xu thế phát triển của xã hội.
...tới những bất cập về cổng làng hiện nay
Không chỉ riêng cổng làng Văn Phú, tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ, hiện có nhiều cổng làng đã được xây dựng từ lâu, trong số này, cũng có không ít cổng làng đã không còn phù hợp trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại các làng quê những năm gần đây. Có thể nhận thấy, tại nhiều khu dân cư trước đây là làng, xã với nhà cửa lụp xụp nay đã xuất hiện nhiều công trình xây dựng lớn, từ đó đòi hỏi yêu cầu cần nhiều hoạt động cơ giới hóa lớn. Ngoài ra, sự gia tăng lưu lượng các phương tiện cơ giới đã khiến nhiều cổng làng trở nên không còn phù hợp. Trong khi đó, nhiều cổng làng được xây dựng từ trước thường có kích thước khá khiêm tốn để các phương tiện cơ giới lớn có thể lưu thông an toàn, gây bất tiện cho cuộc sống của người dân địa phương.
Nguy hiểm hơn, trong nhiều tình huống khẩn cấp, các phương tiện chuyên dụng như xe cứu hỏa, cứu hộ... cỡ lớn không thể nhanh chóng tiếp cận địa bàn để hoạt động khi phải di chuyển qua các cổng làng với kích thước không còn phù hợp với nhiều tình huống thực tế hiện nay.
Theo Trung tá Viên Anh Đức, Đội trưởng Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an Tp.Sầm Sơn cho biết, trong vụ việc trên, xe bồn đi vào tuyến đường qua cổng làng hiện không có biển cấm nhưng đã thiếu quan sát, phía chủ phương tiện đã chấp nhận phương án khắc phụ hậu quả.
"Đoạn đường vào làng Văn Phú không có biển cấm xe bồn, tuy nhiên, sau khi ghi nhận vụ tai nạn, chúng tôi đã tạm giữ phương tiện để xử lý. Đây là việc bất cập tại một số cổng làng hiện nay, thông thường về chiều cao phải xây dựng được từ 4,5m trở lên mới đảm bảo", Trung tá Đức cho biết khi trao đổi nhanh với Người Đưa Tin.
Đồng tình với những bất cập trên, ông Lê Hữu Khoát, Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ (Tp.Sầm Sơn, Thanh Hóa) nơi xảy ra vụ việc, cũng cho rằng, tình trạng nhiều cổng làng không đảm bảo phù hợp là có, vụ việc xảy ra cũng là hy hữu khi lái xe thiếu quan sát.
"Thực tế hiện nay ít người làm nhà áp dụng các biện pháp thi công như xưa mà chủ yếu cơ giới hóa nên đã thuê xe bồn chở bê tông về cho tiện. Tuy nhiên, cổng làng thường được người dân hoặc con em của làng đi làm ăn xa đóng góp tiền để xây dựng. Các công trình này đa số cũng lâu rồi nên kích thước nhiều nơi đã không còn phù hợp với hiện tại, từ đó vô tình cản trở sự các hoạt động sinh sống của người dân địa phương đó.
Vừa rồi, có một số cổng làng ở địa phương được xây mới với kích thước cao và rộng hơn nhiều. Sắp tới xây mới lại cổng bị sự cố trên, tôi sẽ có ý kiến về việc này. Đảm bảo xây dựng với kích thước phù hợp và trình tự thủ tục đầy đủ. Đồng thời, sẽ rà soát lại các cổng không còn phù hợp với tình hình thực tế sinh hoạt của người dân, để thay đổi thích nghi với xu thế thời đại mới", ông Khoát cho biết.
Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành, phát triển của một ngôi làng ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Những đại tự, câu đối hay những hoa văn, hình ảnh được phác họa trên cổng có nội dung nói về truyền thống tốt đẹp của làng hoặc những lời răn dạy đạo lý để con cháu của làng đi về, đọc trên đấy để mà tự răn mình.
Trong quan niệm truyền thống của người Việt, cổng làng có ý nghĩa như một sự chào đón chân thành của người dân địa phương dành cho khách. Cổng làng cũng mang đến cảm giác trở về nhà và sự thân thương, cho người dân mỗi khi qua đây.
Việt Phương