Sốt xuất huyết tăng mạnh, ghi nhận 62 trường hợp tử vong

Admin

Báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, thêm hàng chục nghìn ca mắc, nhiều ca tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8/2022, cả nước ghi nhận 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7); trong đó có 25 trường hợp tử vong (tăng 17 ca so với tháng trước). Như vậy, tính chung 8 tháng của năm 2022, cả nước ghi nhận 165.844 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 62 trường hợp tử vong.

Thời điểm này, tại các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, trong đó gần 10 ca nặng.

Đơn cử như trường hợp của nữ bệnh nhân 38 tuổi ở huyện Thường Tín, Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở ngày thứ 4 khi nhiễm bệnh. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm. Vào khoa Cấp cứu, chị đã trong tình trạng khó thở, thiếu máu, phổi tổn thương, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu nặng, suy thận…

Trước thực tế nhiều người mắc sốt xuất huyết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo người dân tuyệt đối không nên tự ý điều trị và truyền dịch tại nhà.

Các bác sĩ lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào (nhóm bù nước và điện giải hay nhóm cung cấp chất dinh dưỡng), theo cách ra sao cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây các biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Quốc Tiệp (theo vietnamnet.vn, hanoimoi.com.vn, suckhoedoisong.vn)