“Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp tham gia thị trường là có tính quy luật”

Admin

Bức tranh đăng ký kinh doanh của quý I năm 2024 có nét khác biệt đáng lo ngại so với các năm trước với số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp tham gia thị trường.

Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã cho biết, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.

Bà Hương nhấn mạnh thêm, kinh tế cũng có những bước tăng trưởng tốt, nối tiếp đà tăng trưởng từ quý IV/2023, GDP quý I/2024 tăng 5,66% (trong đó riêng khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 66%); chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) 2 tháng đầu năm đều trên ngưỡng 50 điểm. Như vậy, có thể thấy nền kinh tế nói chung, tình hình SXKD của doanh nghiệp nói riêng dù gặp nhiều khó khăn nhưng về tổng thể vẫn có nhiều tín hiệu tích cực theo hướng mở rộng.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.848 doanh nghiệp, thấp hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 73.978 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng bất thường mà có tính chất quy luật của thị trường. Theo bà Hương, bởi trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thường chưa nhiều. Ngoài ra trong quý I có Tết nguyên đán, các doanh nghiệp thường có tâm lý qua Tết nguyên đán mới triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp, nhưng vẫn có nhiều điểm tích cực. Bà Nguyễn Thị Hương lý giải, tình trạng số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị ở quý I/2023 cũng có tình trạng tương tự.

Trong quý I/2024 có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới, là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tình hình đăng ký kinh doanh từ đầu năm đến nay đã dần tích cực hơn khi trong tháng 3 số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 17.136 doanh nghiệp, lớn hơn số doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 10.531 doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường quý I năm 2024, có đến 53.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 72,1%). Một bộ phận doanh nghiệp này đang tạm dừng để sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình mới. Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng), chiếm gần 90% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm), chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ (chiếm trên 74%).

Tuy nhiên, mức chênh lệch số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường ở quý I/2024 thấp hơn số lượng của quý I/ 2023. Đồng thời, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp có xu hướng giảm từ năm 2023 trở lại đây, giai đoạn 2017-2022 vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp cao hơn 10 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, các bộ ngành cùng thực các giải pháp, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngành ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như thu hút đầu tư, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ La tinh, thị trường Halal… Đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…