Sở Công Thương Hà Nội: Cần giải pháp ổn định giá cả để hỗ trợ doanh nghiệp

Admin

Theo bà Trần Thị Phương Lan, các chỉ tiêu kinh tế nửa đầu năm của Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ, song ngành công nghiệp, thương mại trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.

Sáng 14/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương. Theo đánh giá của các địa phương tham dự hội nghị, lĩnh vực Công Thương đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế các địa phương trong những năm qua, cũng như nửa đầu năm 2022.

Đại diện cho Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ.

Phát triển công nghiệp, thương mại còn vướng mắc

Cụ thể, GRDP tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019. Trong đó, dịch vụ tăng 9,05%; công nghiệp tăng 6,73%.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 6,6%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ (8,7%).

Khối lượng hàng hóa vận chuyển 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 32,8% và 44,9% (cùng kỳ tương ứng giảm 10,7%, tăng 11,3%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lan cho biết, phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm chỉ đạo, khắc phục.

Kinh tế vĩ mô - Sở Công Thương Hà Nội: Cần giải pháp ổn định giá cả để hỗ trợ doanh nghiệp

 Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại hội nghị (Ảnh: BCT).

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (16,07%).

Nguyên nhân quan chủ yếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến chiến tranh tại Ukraina và cấm vận đối với Liên bang Nga; chính sách Zero Covid của Trung Quốc, cùng với đó, giá nhiên, nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng và hầu hết hàng hóa tiêu dùng đều tăng.

Ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ, nguyên nhân khách quan chủ yếu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài. Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh còn có khó khăn về mặt bằng, về vốn đầu tư…

Hơn nữa, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao. Nguyên nhân khách quan chủ yếu của việc doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động là do gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài,…

Cần nhiều giải pháp nhằm ổn định nguồn cung

Bà Lan khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội và ngành Công Thương Thủ đô trong 6 tháng cuối năm là phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2022 nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan sớm trình phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Đề án phát triển ngành, lĩnh vực Công Thương làm cơ sở cho ngành Công Thương Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung làm xác định định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với định hướng chung, đảm bảo tính liên kết vùng, liên vùng.

“Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ có các giải pháp nhằm ổn định nguồn cung, ổn định giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, bà Lan đề xuất.

Kinh tế vĩ mô - Sở Công Thương Hà Nội: Cần giải pháp ổn định giá cả để hỗ trợ doanh nghiệp (Hình 2).

Lãnh đạo Sở Công Thương kiến nghị các Bộ, ngành cần giải pháp nhằm ổn định nguồn cung, giá xăng dầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp (Ảnh: Hữu Thắng).

Cùng với đó, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu lĩnh vực ngành Công Thương, 6 tháng cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố tập trung khắc phục những khó khăn, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2022, Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022.

Tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong lĩnh vực Công Thương, bảo đảm các hoạt động kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Về thúc đẩy sản xuất công nghiệp, sẽ đôn đốc, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đối với 6 cụm công nghiệp đã khởi công (từ quý IV/2021 đến nay). Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập theo Kế hoạch năm 2022.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội. Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.

Tổ chức đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức phù hợp. Triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức 28 chương trình, sự kiện của ngành Công Thương trong 6 tháng cuối năm 2022 nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn Hà Nội.