Sầu riêng cuối vụ giá tăng cao, tìm cách xuất khẩu bền vững

Admin

Sầu riêng đang bước vào cuối vụ, các địa phương đang chuẩn bị thu hoạch và lên kế hoạch tiêu thụ bền vững, giá trị cao.

Giá neo cao, nông dân phấn khởi

Đầu tháng 7/2024, giá sầu riêng Thái tại Tây Nam bộ và Đông Nam bộ tiếp tục giữ mức cao nhất, dao động từ 84.000 đồng/kg đến 87.000 đồng/kg. Theo sau là giá sầu riêng Thái mua xô đang được người dân thu mua trong khoảng 64.000 – 67.000 đồng/kg.

Đối với nhóm sầu Ri6, sầu Ri6 lựa đẹp và sầu riêng Ri6 mua xô đang có giá lần lượt khoảng 60.000 – 62.000 đồng/kg và 48.000 – 50.000 đồng/kg.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá sầu riêng Thái và sầu riêng Thái mua xô cũng lần lượt đi ngang trong khoảng 80.000 – 82.000 đồng/kg và 60.000 – 62.000 đồng/kg. Thấp hơn, giá sầu Ri6 lựa đẹp và sầu Ri6 mua xô đang có giá khoảng 58.000 – 60.000 đồng/kg và 45.000 – 48.000 đồng/kg.

Thông tin sầu riêng của Thái Lan mất mùa do thời tiết bất lợi, đang khiến nhiều nông dân ở tỉnh Gia Lai lạc quan về triển vọng giá loại trái cây này trong nước sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng thời tiết nên vừa qua, sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk bị rụng quả nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản lượng. Trong khi đó, một số địa phương ở miền Tây hay tỉnh Bình Phước đã thu hoạch xong sầu riêng. Đây là những yếu tố đẩy giá sầu riêng trong nước tăng cao.

Kinh tế vĩ mô - Sầu riêng cuối vụ giá tăng cao, tìm cách xuất khẩu bền vững

Sầu riêng của Thái Lan mất mùa đang khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên lạc quan.

Tại tỉnh Gia Lai, nông dân đã thu hái sầu riêng rải rác từ nửa tháng nay và đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ. Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trần Thanh Việt (ngụ xã Ia Bang, huyện huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), những ngày qua, ông Việt tiếp đón nhiều thương lái từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng Thái.

“Do chăm sóc kỹ lưỡng, vườn sầu riêng nhà tôi năm nay cho năng suất cao, trái to, đẹp, màu sắc bắt mắt. Các thương lái đã cam kết sẽ thu mua với giá 80.000 đồng/kg. Dự đoán năm nay, vườn sầu riêng nhà tôi đạt khoảng 34 - 35 tấn. Với giá thu mua này thì sau khi trừ hết chi phí chăm sóc vườn cây, tôi có lãi từ 2-3, - 2,4 tỷ đồng", ông Việt phấn khởi nói. 

Còn tại tỉnh Hậu Giang, gia đình ông Nguyễn Năm (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cũng vui khi lần đầu tiên gia đình thu hoạch sầu riêng sau gần 5 năm trồng. Với diện tích gần 30.000m2, gia đình ông Nam dự kiến sẽ thu khoảng 3 tấn trái.

"Với giá bán bình quân 55.000 đồng/kg giống Ri6 và 70.000-80.000 đồng/kg giống monthong, gia đình tôi sẽ thu về món lợi nhuận khá tương xứng. Đây cũng là thành quả bao năm mà gia đình tôi chuyển sang trồng sầu riêng", ông Nam chia sẻ thêm

Đảm bảo chất lượng để giữ vững thương hiệu

Là một trong những công ty thu mua và xuất khẩu sầu riêng lớn tại Đắk Lắk, Công ty CP Ban Mê Green Farm đã gia công và xuất khẩu hơn 2.000 tấn sầu riêng trong niên vụ 2023-2024 đến các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác.

Do các thị trường khó tính luôn đặt ra yêu cầu cao về chất lượng, việc sản xuất và chế biến có chứng nhận sẽ giúp xuất khẩu sầu riêng sang những thị trường lớn dễ dàng hơn.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm chia sẻ: "Mỗi khâu đều có sự hợp tác quan trọng để tạo thành một hệ sinh thái bền vững. Chẳng hạn, vùng nguyên liệu của chúng tôi hợp tác với các hợp tác xã và hộ nông dân. Tôi tin rằng sự kết nối này rất cần thiết cho sự phát triển lâu dài".

Kinh tế vĩ mô - Sầu riêng cuối vụ giá tăng cao, tìm cách xuất khẩu bền vững (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm.

Bên cạnh việc khuyến nghị nông dân nên cẩn trọng khi mở rộng diện tích trồng sầu riêng, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Kinh tế vĩ mô - Sầu riêng cuối vụ giá tăng cao, tìm cách xuất khẩu bền vững (Hình 3).

Tiền Giang là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng với hơn 26.000ha và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Tuy nhiên, tỷ lệ vùng trồng được giám sát chỉ đạt 52%, cơ sở đóng gói được giám sát đạt 47,6%; có 187 mã số bị cảnh báo, gồm 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần.

Vì thế, định hướng của ngành nông nghiệp đối với sầu riêng là tổ chức lại cấu trúc, trong đó phải gắn kết được nông dân với doanh nghiệp. Đối với mã số vùng trồng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản yêu cầu phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, xóa bỏ tình trạng tự phát.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn của cả nước. Toàn tỉnh có gần 22.000ha vườn cây sầu riêng chuyên canh, tập trung nhiều ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, thị xã Cai Lậy; trong đó có gần 15.000ha cây đang cho thu hoạch.

Trong vài năm qua, sầu riêng liên tục tăng giá. Sầu riêng Monthong trái vụ có giá rất cao, sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái giá nhiều thời điểm cũng tăng vọt. Với mức giá sầu riêng từ đầu năm đến nay, một ha cây sầu riêng giúp nhà vườn có thu nhập lên đến tiền tỷ một năm.

Các chuyên gia của Viện Cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo, các điểm đóng hàng sầu riêng xuất khẩu cần cải tiến quy trình xử lý sau thu hoạch. Trong khi đó, Việt Nam đang cần bộ tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng khi lưu thông trên thị trường, trong đó có xuất khẩu.

Muốn các tác nhân trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng được liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý và kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.