Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7/2022 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6/2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.
Trước đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,4 tỷ USD, giảm gần 11% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 936,5 triệu USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2%, trong đó, dăm gỗ 1,4 tỷ USD, tăng 29,8%; viên nén gỗ 0,45 tỷ USD, tăng 78,5%; ván các loại 0,91 tỷ USD, tăng 22,1%; sản phẩm gỗ 6,97 tỷ USD, giảm 6,9%. Lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng 2,6 %.
Về thị trường, 7 tháng đầu năm 2022, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90 % tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%; lâm sản ngoài gỗ 0,25 tỷ USD, giảm 0,6%.
Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ 999 triệu USD, tăng 20,4%; lâm sản ngoài gỗ 36 triệu USD, giảm 2%.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,161 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ 1,15 tỷ USD, tăng 22,9%; lâm sản ngoài gỗ 15 triệu USD tăng 164,2%.
Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 726 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 549 triệu USD, giảm 2,0%; lâm sản ngoài gỗ 177 triệu USD, tăng 10,6%.
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 623 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ 604 triệu USD, tăng 13,1%; lâm sản ngoài gỗ 19 triệu USD, tăng 7,9%.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trên 13% do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, do đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, nhiều thị trường khác trong khối EU cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao. Do đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng, khi tình hình lạm phát thế giới tăng cao khiến sức mua hàng giảm, chi phí vận chuyển tăng cao.
Trao đổi với Công thương, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của DOC Hoa Kỳ đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.
Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường châu Âu giảm mạnh, cụ thể: Đức giảm 2,2%, Pháp giảm 6,9%, Italy giảm 10,1%, Thuỵ Điển giảm 42,1%, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến vận chuyển gặp khó khăn. Nhập khẩu nguyên liệu từ một số quốc gia tăng cao như Nga, Phần Lan, Bỉ… do phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung do nguồn cung giảm tại các thị trường khác.
Nguồn cung nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hiện nay, do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến giá thu mua tăng cao, trên 30% nên các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3-4 tuổi), dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến các loại sản phẩm gỗ.
Để tháo gỡ những khó khăn cho chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản.
Về phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Nỗ lực giữ thị trường lớn trước bài toán “giảm tốc”
Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và trong những năm gần đây, luôn đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 xét về mặt kim ngạch. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 10-12% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam hàng năm tương đối cao, chiếm 17% - 35% tổng vốn đầu tư từ các nguồn trong ngành. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Do đó, Trung Quốc luôn là thị trường chiến lược của Việt Nam.
Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch VIFOREST cũng nhận định với Lao động: Để giữ vững thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn khác, doanh nghiệp hướng tới sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật của Nhà nước, đúng thông lệ quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu mà Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành để giữ vững và tăng thị phần đồ gỗ xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Hương Anh (tổng hợp)