Sabeco có 2 tân Phó Tổng Giám đốc

Admin

Sau khi ông Lee Chio Lim Larry và bà Lim Pei Chi Patsy được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc, số lượng thành viên ban Tổng Giám đốc Sabeco tăng lên thành 7 người.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao. Theo đó, công ty ra quyết định bổ nhiệm ông Lee Chio Lim Larr và bà Lim Pei Chi Patsy cùng giữ chức phó Tổng Giám đốc Sabeco kể từ ngày 27/6/2024.

Theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, ban Tổng Giám đốc Sabeco hiện có 5 thành viên. Như vậỵ, nếu hoàn tất bổ nhiệm, số lượng thành viên của ban Tổng Giám đốc Sabeco sẽ nâng lên thành 7 thành viên.

Về tình hình tài chính công ty, sau năm 2023 kinh doanh ảm đạm giật lùi, Sabeco bước sang quý I/2024 với tình hình kinh doanh tăng trưởng trở lại. 

Theo đó công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.200 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ bán bia chiếm gần 90% đạt gần 6.400 tỷ đồng, bên cạnh 10% doanh thu từ bán nguyên vật liệu và số ít còn lại tới từ nước giải khát, rượu, cồn và sản phẩm khác.

Trong 3 tháng đầu năm, ông lớn ngành bia khu vực phía Nam ghi nhận chi phí tài chính giảm mạnh gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ hơn 2%.

Sau khi trừ các chi phí, Sabeco ghi nhận lãi sau thuế gần 1.024 tỷ đồng quý I, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 34.400 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng, tăng gần 8%. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Sabeco đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo Sabeco, nhu cầu tiêu thụ bia đã có sự cải thiện dù việc thực thi Nghị định 100 vẫn còn nghiêm ngặt. Cùng với đó, tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái đã giúp doanh thu thuần được cải thiện.

Về dự báo về ngành bia trong năm 2024, Công ty Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện, bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

Các chuyên gia FNS đánh giá, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Bên cạnh đó, xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng ngành bia.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng của ngành bia trong năm 2024. Do đó, SSI Research nhận định các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại.