Quảng Bình lý giải nguyên nhân 263 dự án chậm tiến độ

Admin

Trong tổng số 662 dự án nhà đầu tư đề nghị giao đất, cho thuê đất đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận đầu tư, hiện có 263 dự án chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Bình, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, ở khu vực ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện có 662 dự án (DA) nhà đầu tư (NĐT) đề nghị giao đất, cho thuê đất đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Trong đó, có 303 DA đã được giao đất, cho thuê đất, 359 DA chưa được giao đất, cho thuê đất.

Số lượng DA tăng nhiều chủ yếu giai đoạn từ năm 2015-2019, tức là trước thời điểm dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Trong tổng số các DA nêu trên, tính đến tháng 4/2024, có 295 DA đã hoàn thành đi vào hoạt động (chiếm 44,6%). Theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Bình, phần lớn các DA hoàn thành, đi vào hoạt động đã có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp vào ngân sách tỉnh, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Kinh tế vĩ mô - Quảng Bình lý giải nguyên nhân 263 dự án chậm tiến độ

Dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Bên cạnh các DA đã hoàn thành, trong tổng số 662 DA NĐT đề nghị giao đất, cho thuê đất đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, hiện có 263 DA chậm tiến độ. 

Sở KH&ĐT lý giải các DA chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó chủ yếu do các vướng mắc về thủ tục pháp lý, sự thay đổi về chính sách pháp luật, đặc biệt pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và xử lý tài sản công.

Mặt khác, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và một số trường hợp do NĐT không tập trung nguồn lực đầu tư đưa DA vào hoạt động theo đúng tiến độ cam kết.

Từ những khó khăn trên, tình trạng các DA đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng hoặc xây dựng dở dang, tạm ngừng triển khai và chậm tiến độ so với quy định còn khá lớn, với số lượng 81 DA.

Một số DA có vị trí đắc địa, lợi thế thương mại, việc chậm tiến độ làm lãng phí tài nguyên đất đai và ảnh hưởng đến mỹ quan của địa phương, như: Khu du lịch sinh thái Sài Gòn-Bảo Ninh (xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) của Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Quảng Bình; Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, phường Đồng Phú của Công ty CP Tập đoàn Linh Thành; khách sạn Palace Hotel Quang Binh và tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh-shophouse (DA Movenpick Central) của Công ty CP Việt Group; khách sạn Thành An tại phường Hải Thành của Công ty TNHH Xây dựng Thành An; khách sạn 4 sao Sài Gòn-Hà Nội, phường Hải Thành của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cát Biển Quảng Bình...

Đối với các DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (CTĐT), đồng thời chấp thuận NĐT nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, theo đánh giá của Sở KH&ĐT, một số DA NĐT đã rất tích cực triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư để kịp thời được bàn giao mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng.

Kinh tế vĩ mô - Quảng Bình lý giải nguyên nhân 263 dự án chậm tiến độ (Hình 2).

Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, phường Đồng Phú của Công ty CP Tập đoàn Linh Thành.

Tuy nhiên, còn nhiều DA đã quá thời hạn 24 tháng kể từ khi được chấp thuận CTĐT (cấp từ tháng 2/2022 trở về trước) nhưng chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất. Trong đó, có 98 DA chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện DA và 46 DA ký quỹ, đang giải phóng mặt bằng.

Đối với các DA được chấp thuận CTĐT với hình thức lựa chọn NĐT là đấu giá quyền sử dụng đất (chưa được giao đất, cho thuê đất), đến nay, có 4 DA đã hoàn thành việc đấu giá quyền sử dụng đất và NĐT đã được cho thuê đất. Và có 38 DA đã quá thời hạn thực hiện thủ tục đấu giá theo tiến độ tại CTĐT DA đã được chấp thuận.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Đức, thực tế hiện nay có tình trạng các DA chậm tiến độ do chủ đầu tư năng lực kém hoặc cố tình kéo dài thời gian thực hiện DA để tìm kiếm cơ hội khác. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều DA NĐT quyết tâm nhưng lại gặp phải khó khăn bởi những cơ chế, quy định hiện hành.

Để công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án đi vào khuôn khổ, nề nếp và theo đúng quy định pháp luật, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn 181/UBND-TH, về việc thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư và rà soát, đôn đốc các dự án chậm tiến độ trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở KH&ĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; tập trung rà soát đối với các dự án triển khai chậm tiến độ và dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tích cực tham mưu UBND tỉnh xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng làm gây lãng phí tài nguyên của tỉnh; đồng thời, thường xuyên cập nhật, đăng tải các dự án chậm tiến độ lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Sở, ngành phụ trách.