Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều ngày 20/9, UBTVQH nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tiếp đó các thành viên UBTVQH thảo luận về dự án Luật này.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 92 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 85 Điều, bổ sung mới 05 Điều, giữ nguyên 02 Điều, bãi bỏ 11 Điều.
Thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước;
Đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tổng kết đầy đủ, toàn diện kết quả thi hành Luật Đấu thầu năm 2013, nêu bật những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để từ đó đề xuất sửa đổi Luật phù hợp; đánh giá đầy đủ tác động của việc thay đổi chính sách.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu bên cạnh tuân thủ nguyên tắc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần đi thẳng vào vấn đề cần sửa đổi, bổ sung là gì, vì sao phải sửa. Việc sửa đổi cần chỉ rõ nội dung nào, khoản nào, điều nào đang gây ách tắc làm cho quá trình đấu thầu kéo dài, gây nên những bất cập, vướng mắc trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực trạng kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp, có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực… nguyên nhân của tình trạng này là gì, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, người đứng đầu trong thực hiện đấu thầu quy định trong luật đã đủ rõ?; tại sao mở rộng đối tượng chỉ định thầu;
Xu hướng hiện nay là luật hóa để công khai, minh bạch nhưng dự thảo luật có nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và Thủ tướng hướng dẫn chi tiết, điều này tạo ra nhiều tầng nấc trung gian, nếu không cẩn thận việc sửa đổi sẽ thiếu minh bạch hơn.
Đối với công tác đấu thầu thuốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải vì sao giá đấu thầu thuốc lần sau phải thấp hơn lần trước, nếu như vậy sẽ tiến tới giá đấu thầu thuốc bằng 0; vướng mắc này thuộc Luật Đấu thầu hay trong nghị định, thông tư của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần lưu ý đến các điều khoản chuyển tiếp, tránh gây ách tắc khó khăn khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực…
Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát lại các điều khoản then chốt của luật để vừa giải quyết những tồn đọng vướng mắc hiện nay, không để phát sinh những vướng mắc mới, vừa nâng cao chất lượng trong quản lý sử dụng vốn tài sản Nhà nước.
Các ý kiến phát biểu tại Phiên họp cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu, hồ sơ dự án cơ bản đầy đủ theo quy định tại khoản 2, Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi bổ sung năm 2020.
Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật, như Luật Nhà ở, Luật Dầu khí, Luật Đầu tư công… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị rà soát đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật;
Đồng thời, trong điều về áp dụng pháp luật cần nêu rõ trong trường hợp luật này và luật khác quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng luật nào.
Đối với quy định về chống tiêu cực, chống tham nhũng và gian lận trong đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, gian lận, tiêu cực trong đấu thầu. Đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng trung ương cũng xác định đấu thầu là lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng. Vì vậy, cần xác định rõ tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân do luật không, nếu có thì nằm ở điều luật nào, sửa theo hướng nào.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước đã giải trình các vấn đề thành viên UBTVQH nêu liên quan đến cắt giảm thời gian đấu thầu, cắt giảm các khâu trung gian trong đấu thầu, quy đinh về đấu thầu qua mạng, quy định về chỉ định thầu, đấu thầu thuốc, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong thực hiện đấu thầu, công khai minh bạch về thông tin trong đấu thầu….